Hội đồng trường chỉ là hình thức
Ngày 24/3, tại Hội nghị về QCDC trong các cơ sở giáo dục đào tạo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, đại diện Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH đều khẳng định việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo ngày càng được nâng cao.
“Hiện nay có bao nhiêu trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã thành lập Hội đồng trường (HĐT)?” Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Trong số 38 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý có 16 cơ sở giáo dục thành lập HĐT. Các trường ĐH thuộc bộ khác quản lý, Bộ GD&ĐT không nắm được. Và, trong số hơn 400 trường CĐ, khi Bộ GD&ĐT bàn giao cho Bộ LĐTB&XH quản lý thì chưa có trường nào thành lập HĐT. Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết có khoảng 30% trường dạy nghề thành lập được HĐT, nhưng đôi khi các trường thực hiện còn mang tính hình thức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch và cơ chế giám sát đo, đếm được trong sự hiện dân chủ cơ sở ở trường học. |
Theo quy định, HĐT là tổ chức có quyền lực cao nhất trong nhà trường quyết định các chủ trương, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đào tạo. Thế nhưng, theo thông tin từ hai Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH thì rất ít trường ĐH, CĐ có HĐT, đó là chưa nói đến lập ra HĐT để đối phó. Có những trường bầu ra Chủ tịch HĐT là trưởng ban, trưởng phòng. Đương nhiên, HĐT như thế này không phát huy được vai trò, bởi mọi việc lớn trong trường đều do bí thư và cũng là hiệu trưởng quyết định. Theo Bí thư Đảng bộ Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội Vũ Tuấn Dũng, HĐT đã phôi thai và đi vào hoạt động từ lâu.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 12/66 trường ĐH, CĐ thành lập HĐT nhưng hoạt động của tổ chức này còn mờ nhạt, chưa phát huy được vai trò. Lý do bởi, xu thế hiện nay, bí thư đảng uỷ trường kiêm hiệu trưởng được quyết định và tự chịu trách nhiệm hoạt động của trường đang làm rất tốt. Vì thế, ông Dũng cho rằng nên nghiên cứu lại việc thành lập HĐT.
Đồng quan điểm với ông Dũng, Phó Chủ tịch Hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cũng nhận định: “Có mười mấy trường ĐH thành lập HĐT nhưng hoạt động rất hình thức. HĐT có quyền cao nhất nhưng thực chất lại là bí thư đảng ủy trường. Hơn nữa, họ cứ đưa anh trưởng khoa, trưởng phòng lên làm chủ tịch HĐT thì không giải quyết được tình hình”. Cũng theo ông Nhĩ, việc thành lập HĐT còn lúng túng nhiều mặt. Các trường không biết chọn ai làm chủ tịch, mối quan hệ chủ tịch HĐT với bí thư, hiệu trưởng thế nào. Nhiều hiệu trưởng cũng không tha thiết thành lập HĐT vì mình sẽ chẳng còn quyền hành. Vì thế, chúng ta phải xác định cơ chế và tìm người có uy tín để làm chủ tịch HĐT.
Quản lý nhà nước bằng dân chủ
Tại hội nghị, báo cáo về việc thực hiện dân chủ cơ sở trong các trường phổ thông ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Kết quả nổi bật là đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong mỗi nhà trường. Đặc biệt là cấp uỷ và người đứng đầu các đơn vị về mục đích, ý nghĩa, tầm quan tọng của việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.
Hiện nay, 100% các cơ quan quản lý giáo dục và các trường phổ thông trên địa bàn đã thành lập BCĐ QCDC. Ban chỉ đạo này thường xuyên được kiện toàn, đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, hoạt động của BĐ QCDC ngày càng đi vào thực chất... Thông qua việc thực hiện tốt QCDC, các hiện tượng tiêu cực, mất dân chủ trong nhà trường đã từng bước được ngăn chặn và giải quyết kịp thời. Qua đó góp phần làm giảm các thắc mắc, kiến nghị đặc biệt là khiếu kiện vượt cấp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và ông Nguyễn Tùng Lâm. |
Để thực sự có dân chủ trong trường học, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị quản lý nhà nước bằng dân chủ để nâng cao chất lượng đào tạo. Vai trò của dân chủ trong trường học hết sức lớn lao, nên chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa thông qua 5 giải pháp. Thứ nhất, phải thật sự cải tiến phương pháp giáo dục tạo cho các em sự hứng thú, phát triển theo từng cá nhân. Thứ hai, các trường học thật sự dân chủ và tự chủ, chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo của mình, vận dụng theo cơ chế tích cực của quy luật thị trường. Thứ ba, đề cao vai trò của người đứng đầu và các đoàn thể. Thứ tư, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Và, cuối cùng là đánh giá dân chủ trong các trường học một cách khoa học, khách quan.
Các trường phải là tấm gương lan toả
Kết luận hội nghị về QCDC trong các cơ sở giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT thì chúng ta phải phát huy dân chủ trong trường học và ngành giáo dục. Dân chủ trong môi trường giáo dục phải được thực hiện tốt hơn các nơi khác, phải là tấm gương lan toả trong toàn xã hội.Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện dân chủ cơ sở, trách nhiệm đầu tiên là của giáo viên, ban lãnh đạo, hệ thống quản lý giáo dục các cấp. Tới đây chúng ta phải làm mạnh vấn đề này để mở ra cái mới. Phó Thủ tướng cho rằng Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD ĐT về thực hiện QCDC trong hoạt động của nhà trường đã lạc hậu, vì thế Bộ GD&ĐT cần phải rà lại và bổ sung thêm các cơ sở ngoài công lập và trường có yếu tố nước ngoài. Cũng như có các quy định liên quan đến bổ nhiệm giáo viên, trách nhiệm của các hiệu trưởng. Và, quan trọng nhất là làm sao xác định được thực quyền của người quản lý.Về phía các trường phải công khai quy chế hoạt động của nhà trường. Dù rằng còn thiếu, nhưng các văn bản hiện nay tương đối tốt, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện không công khai minh bạch. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị phải làm mạnh vấn đề này.