Sáng 1/3, trường Mầm non Tân Hội B, huyện Đan Phượng tổ chức lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là niềm vinh dự, tự hào, sự động viên khích lệ to lớn đối với toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường.
Trường Mầm non Tân Hội B thành lập tháng 7/2021, được tách ra từ Trường Mầm non Tân Hội. Trường có diện tích 8.200m2, với 20 phòng học, phòng ngủ, đầy đủ phòng chức năng theo yêu cầu chuẩn và yêu cầu phát triển chương trình giáo dục mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế như phòng Montessori, Stem, chiếu phim, nghệ thuật, thể chất, tin học, làm quen tiếng Anh…
Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hội B Đỗ Thị Hằng cho biết, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng trường chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của sự nghiệp giáo dục và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Do đó, cùng với việc được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, nhà trường đã quan tâm tới công tác cán bộ, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên. Với sự đoàn kết nhất trí, phấn đấu thực hiện, nhà trường đã hoàn thành 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia mà Bộ GD&ĐT đã đề ra.
Hiện tại, nhà trường có 20 lớp với 612 cháu đạt tỷ lệ so với độ tuổi là 100% trẻ mẫu giáo và 46,5% trẻ nhà trẻ, tỷ lệ chuyên cần đạt 96% trở lên. Trường có các tổ chức đoàn thể và các tổ chuyên môn hoạt động theo quy định hiệu quả.
Về cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viê, trường có đủ cán bộ quản lý và đều đạt chuẩn theo quy định, Ban giám hiệu nhà trường thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, luôn chủ động, năng động, sáng tạo. 100% giáo viên, nhân viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo, giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn 83%.
Năm học 2022 -2023, Trường Mầm non Tân Hội B được Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn là đơn vị làm điểm cho TP về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nuôi dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Nhà trường chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ kiến thức, kỹ năng thực hành cuộc sống, phát triển phẩm chất, năng lực và giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Chất lượng giáo dục đạt các tiêu chí về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội, trẻ tự tin, tự lập, ngôn ngữ mạch lạc, mạnh dạn giao tiếp, kỹ năng lễ giáo đạt 95% trở lên, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100% các tiêu chí đánh giá các lĩnh vực giáo dục.
Cũng theo bà Đỗ Thị Hằng, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, song giữ vững danh hiệu càng khó hơn. Do đó, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe và chất lượng giáo dục, ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng khẳng định, kim chỉ nam trong chỉ đạo của huyện là tập trung, ưu tiên, đầu tư cho phát triển giáo dục. Trong đó chú trọng quy hoạch đất cho giáo dục, bảo đảm mỗi xã có 2 trường ở mỗi cấp với diện tích đất từ 15m2/học sinh trở lên.
Cùng với đó, huyện quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới các phòng hoc, phòng chức năng. Trong 3 năm gần đây, huyện đã dành trên 1.000 tỷ đồng xây mới 7 trường, xây bổ sung trên 200 phòng học, phòng bộ môn theo quy định mới về cơ sở vật chất của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Với quan điểm chỉ đạo như vậy trong suốt những năm qua, giáo dục Đan Phượng có nhiều chuyển biến rõ nét. Chất lượng giáo dục được duy trì và phát triển. Chất lượng đội ngũ được nâng cao cả về chất và lượng.
Đến nay, 54/55 trường chiếm tỷ lệ 98,2% trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có đến 33 trường (60%) được công nhận đạt đẹp chuẩn quốc gia mức độ 2, là huyện dẫn đầu TP trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường Mầm non Tân Hội B là ngôi trường thứ 4 trên địa bàn xã Tân Hội đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng đề nghị, thời gian tới, trường cần tập trung mọi nguồn lực để duy trì, giữ vững danh hiệu trưởng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2.
Đồng thời sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo các tiêu chuẩn, tiêu chí trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng xã đạt nông thôn kiểu mẫu. Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.