Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau chuyến thăm Kiev của ông Blinken là nỗi lo sợ?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Blinken đã cam kết chuyến thăm lần này sẽ đi đến những thỏa thuận hỗ trợ mới, bao gồm đẩy nhanh vận chuyển các lô vũ khí tiếp theo của phương Tây tới Kiev - đặc biệt là hệ thống phòng không.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thừa nhận trong chuyến thăm Kiev tuần này rằng tình hình ở Ukraine đã xấu đi. Điều này chủ yếu là do cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkov vừa qua, theo nhà quan sát Dmitry Drize từ nhật báo Kommersant (Nga). 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) trước cuộc hội đàm ở Kiev, ngày 15/5/2024.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) trước cuộc hội đàm ở Kiev, ngày 15/5/2024.

Theo đó, ông Blinken đã cam kết chuyến thăm lần này sẽ đi đến những thỏa thuận hỗ trợ mới, bao gồm việc đẩy nhanh các lô vũ khí tiếp theo của phương Tây tới Kiev - đặc biệt là hệ thống phòng không. Ông cũng nhắc lại rằng tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine vẫn đang được cân nhắc và rằng Nga sẽ phải chi trả cho việc tái thiết đất nước.

Sự xuất hiện của ông Blinken đã khiến nhiều người bất ngờ và phản ánh giai đoạn quan trọng hiện tại của cuộc xung đột. Mỹ đang thúc giục Kiev tiến hành huy động lực lượng và vũ khí hiệu quả hơn. Nhân tiện, đây là câu hỏi quan trọng nhất: bản thân Ukraine mong muốn kịch bản sắp tới sẽ ra sao?

Gần như cùng lúc đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố gói hỗ trợ trị giá 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD) cho Ukraine trước báo giới. Cần nhớ rằng quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công dọc theo khu vực mới của mặt trận ở vùng Kharkov. Phía Ukraine đảm bảo rằng bản thân thành phố Kharkov không gặp nguy hiểm. Trong khi đó, Moscow dường như đang cố gắng tạo ra "hành lang" quanh biên giới của mình, hoặc có lẽ đang cố gắng chuyển hướng các lực lượng Ukraine. Những luận điểm về “tình huống nguy cấp” đang được nhắc tới thường xuyên hơn. 

Dù thế nào đi nữa, phương Tây hiểu rõ ràng rằng, 6 tháng chậm trễ không cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine hay Kiev không đưa ra được sự điều động quân đúng hướng sẽ dẫn đến hậu quả. Và bây giờ chúng đã đến. Trong diễn biến liên quan, cuộc họp G7 tại thị trấn Brindisi của Italia chỉ còn một tháng nữa là diễn ra. Sau đó sẽ có một hội nghị cấp cao về Ukraine tại Bürgenstock ở Thụy Sĩ và hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm NATO vào tháng 7 tới.

"Câu trả lời rất rõ ràng: cần phải tăng những khoản đặt cược. Hiện không ai nói về một kịch bản hòa bình; vòng đối đầu tiếp theo đã đến. Có lẽ cuối cùng những diễn biến này sẽ dẫn đến một giải pháp hòa bình bất ngờ, nhưng không bên nào nên quá lạc quan. Một điều nữa chúng tôi muốn chỉ ra là Tây Âu thực tế bất lực nếu không có Mỹ, bất kể [Tổng thống Pháp] Emmanuel Macron có "máu lửa" đến mức nào", theo bình luận viên của nhật báo Nga Kommersant. 

Đây là chuyến đi thứ tư của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và là chuyến đi đầu tiên của một quan chức cấp cao của Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký gói viện trợ trị giá 60,8 tỷ USD được Quốc hội phê duyệt gần 1 tháng trước sau nhiều tháng tranh cãi với các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện.