Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt với số lượng không đổi đến châu Âu qua Ukraine, mặt khác khẳng định cắt giảm phần chuyển cho công ty năng lượng Áo OMV hôm 16/11.
Lưu lượng không đổi
Nga, trước chiến sự tại Ukraine là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu và hiện Moscow đã mất gần như toàn bộ khách hàng châu Âu khi EU cố gắng giảm sự phụ thuộc và đường ống dẫn khí Nord Stream đến Đức ghi nhận nỗ lực phá hoại vào năm 2022.
Hiện tại, một trong những tuyến đường dẫn khí đốt chính cuối cùng của Nga đến châu Âu - đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod thời Liên Xô qua Ukraine - sẽ đóng cửa vào cuối năm nay vì Kiev không muốn gia hạn thỏa thuận trung chuyển kéo dài năm năm đưa khí đốt phía Bắc Siberia đến Slovakia, Cộng hòa Séc và Áo.
Áo hôm 15/11 cho biết, Moscow đã thông báo rằng khí đốt sẽ bị cắt từ ngày 16/11 sau phán quyết từ Phòng thương mại quốc tế (ICC) dành cho OMV, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Áo.
Hôm 16/11, cơ quan quản lý năng lượng E-Control của Áo cho biết việc giao hàng của Gazprom cho OMV đã dừng lại lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương), đồng thời cho biết thêm rằng giá cả và nguồn cung cấp cho khách hàng trong nước vẫn ổn định.
OMV đang tìm cách thu hồi khoản thiệt hại 230 triệu euro nhận được từ Gazprom thông qua phán quyết của ICC bằng cách bù trừ khiếu nại với hóa đơn giao hàng cho Áo.
Mặt khác, Gazprom cho biết sẽ vẫn vận chuyển 42,4 triệu mét khối khí đốt đến châu Âu qua Ukraine trong hôm 16/11, cùng khối lượng như trước đó.
Dữ liệu từ nhà điều hành hệ thống truyền tải Eustream cho thấy lưu lượng vào Slovakia từ Ukraine vẫn ổn định nhưng lượng đề xuất lưu lượng đến Áo từ Slovakia thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình trong tháng này.
Theo thống kê, OMV chiếm khoảng 40% lưu lượng khí đốt của Nga qua Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/11 đã lần đầu tiên trong gần 2 năm qua điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu chờ đợi để nghe ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc chấm dứt cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Chính trị khí đốt
Theo Điện Kremlin, ông Putin khẳng định với ông Scholz rằng Nga luôn hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng về nguồn cung cấp năng lượng và "sẵn sàng hợp tác cùng có lợi nếu phía Đức thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này".
Các nhà lãnh đạo Liên Xô và hậu Xô Viết đã dành nửa thế kỷ kể từ khi phát hiện ra các mỏ khí đốt lớn ở Siberia trong những năm sau Thế chiến thứ hai để xây dựng một doanh nghiệp năng lượng liên kết Liên Xô, khi đó là Nga, và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chiến sự và các sự cố với đường ống Nord Stream đã gây ảnh hưởng tới mối liên kết đó. Vào thời kỳ đỉnh cao, Nga cung cấp 35% khí đốt cho châu Âu nhưng kể từ cuộc chiến năm 2022, thị phần của Gazprom đã bị mất vào tay Na Uy, Mỹ và Qatar.
Đường ống Yamal-Châu Âu qua Belarus đã bị đóng cửa sau một cuộc tranh chấp trong khi Nga đổ lỗi cho Mỹ và Anh về các vụ nổ bí ẩn dưới Biển Baltic, khiến đường ống Nord Stream phải ngừng hoạt động.
Washington và London đã phủ nhận những cáo buộc này. Nếu không có Áo, nguồn cung cấp đáng kể của Nga sẽ còn dành hai quốc gia châu Âu - Hungary và Slovakia.
Theo dữ liệu do hãng tin Reuters tổng hợp, Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, chiếm khoảng 8% lưu lượng khí đốt đỉnh điểm của Nga đến châu Âu qua nhiều tuyến đường khác nhau trong giai đoạn 2018-2019.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2023, tuyến đường trung chuyển của Ukraine đáp ứng 65% nhu cầu khí đốt ở Áo và các quốc gia châu Âu láng giềng phía đông là Hungary và Slovakia.