Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Chương Mỹ: Mở lớp gắn với đầu ra

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa số những học viên đã và đang tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở huyện Chương Mỹ, khi được hỏi đều cho biết hứng thú với việc học vì mang lại lợi ích thiết thực. Không chỉ áp dụng kiến thức được học cho chính mình, mỗi học viên còn truyền đạt cho hàng xóm để cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

 Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg TP Hà Nội kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Thực hành ngay tại đồng ruộng

Năm 2018, huyện Chương Mỹ có kế hoạch tổ chức 50 lớp đào tạo nghề cho 1.750 LĐNT (1.120 chỉ tiêu nghề nông nghiệp và 630 chỉ tiêu nghề phi nông nghiệp). Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: Thực hiện mục tiêu 80% số lao động sau học nghề gắn với việc làm hoặc có việc làm mới, trước khi tổ chức lớp, huyện đã rà soát, khảo sát bổ sung nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch trên địa bàn các xã, thị trấn. Để việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã đẩy mạnh xây dựng nội dung, chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin cấp huyện và cấp xã. Đồng thời huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, DN ở địa phương vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho LĐNT. Đặc biệt, lựa chọn những cơ sở dạy nghề có đủ năng lực, uy tín để tham gia đào tạo nghề cho LĐNT đạt chất lượng…

Thực tế tại lớp đào tạo nghề chăn nuôi - thú y đang được tổ chức tại xã Đông Phương Yên, không khí học tập khá sôi nổi. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phương Yên Nguyễn Văn Chính cho hay: Đa số các học viên đang chăn nuôi theo mô hình gia đình. Khi đến đây, học viên được trang bị nhiều kiến thức về giống, vốn, cách phòng chữa bệnh, chăn nuôi đúng kỹ thuật…

Còn tại xã Thụy Hương, khi được hỏi về hiệu quả của 2 lớp đào tạo nghề trồng lúa chất lượng cao vừa bế giảng, bà Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi nói: "Trong quá trình học, giáo viên dạy kết hợp lý thuyết với thực hành ngay tại đồng ruộng nên học viên tiếp thu bài nhanh hơn. Với việc mở những lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật này, chúng tôi rất muốn các hội viên được trang bị kiến thức cơ bản, sẵn sàng tiếp cận, sử dụng cấy những giống lúa mới để nâng cao năng suất, chất lượng".

Cần thêm những nghề mới

Đến cuối tháng 10/2018, huyện Chương Mỹ đã bế giảng 28 lớp đào tạo nghề cho LĐNT và 22 lớp khác cũng sắp kết thúc. Nhiều học viên tham gia các khóa học nghề cho biết đang áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất, chăn nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ông Hoàng Minh Hiến thông tin, để các lớp học diễn ra theo đúng quy định, trước đó, huyện tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền về đào tạo nghề tại các xã Tiên Phương, Phụng Châu, Ngọc Hòa và thị trấn Chúc Sơn. Sau đó, thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tất cả các lớp đang tổ chức đào tạo trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn kết hợp với một công ty may tổ chức tuyên truyền và đào tạo cho hơn 1.900 lao động. "Hiện DN này đã nhận khoảng 1.700 người vào làm việc với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo và ổn định phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - ông Hiến nhấn mạnh.

Tuy rằng, các nghề đào tạo nghề cho LĐNT đã sát với thực tế sản xuất nhưng với kế hoạch phát triển của địa phương trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ đề nghị TP bổ sung vào danh mục nghề: Trồng lúa hữu cơ; bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian dạy lý thuyết, tăng thời lượng thực hành cho phù hợp với nhu cầu của người học là nông dân. Đại diện Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ đề nghị có thêm nghề chăn nuôi, trồng cây ngắn hạn, thời gian đào tạo chỉ 10 - 15 ngày nhưng vẫn đảm bảo cung cấp kiến thức cơ bản cho NLĐ. “Thực tế, do tính chất công việc đồng áng, chăn nuôi nên nhiều LĐNT rất khó bố trí đi học đầy đủ khóa học nghề 3 tháng, sĩ số lớp học bị rơi rụng dần. Vì thế, tổ chức lớp học ít ngày để tạo thêm cơ hội cho LĐNT được tham gia tiếp mà mục đích của việc đào tạo nghề cho LĐNT vẫn đảm bảo” - vị này cho hay.