Thu nhập làm thêm 4,5 – 5 triệu đồng/tháng
Năm 2019 huyện Phú Xuyên đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 cho 700 học viên, với 2 nghề phi nông nghiệp và 4 nghề nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết: Năm 2018, huyện tổ chức cho 800 nông dân học nghề và đã có 745 học viên được tạo việc làm sau khi kết thúc khóa học, chiếm 93%. “Trong những năm qua, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) khu vực nông thôn của huyện đã giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện để tập trung phát triển kinh tế - xã hội” – ông Công Thành nhận định.
Để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, năm 2019, UBND huyện Phú Xuyên còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 1.590 lượt LĐNT sau học nghề được vay tổng số tiền 61.499 triệu đồng. |
Đoàn công tác TP Hà Nội đi kiểm tra thực tế tại xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên cho thấy, việc triển khai đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 được tổ chức theo đúng kế hoạch. Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Đặng Quang Duy thông tin, năm 2019, xã mở 4 lớp dạy nghề Mây tre giang đan và năm 2018 có 2 lớp Trồng rau an toàn. Hiện tại, số học viên sau khi học nghề đều áp dụng được những kiến thức cơ bản vào sản xuất, nâng cao thu nhập. “Khi có chứng chỉ tay nghề, học viên nhận nguyên liệu về nhà đan hàng mỹ nghệ thu nhập 4,5 – 5 triệu đồng/tháng. Nếu NLĐ bố trí thời gian đến làm việc tại DN, được trả công 250.000 – 300.000 đồng/ngày” - ông Duy phấn khởi nói.
Từ công tác đào tạo nghề cho LĐNT, đến nay người dân xã Đại Thắng khi nuôi cá, gia cầm đã biết phòng trừ và chẩn đoán bệnh, cho năng suất và chất lượng cao, doanh thu tăng. Ông Nông Quốc Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng chia sẻ: “Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 200ha ruộng từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, chuyển từ cấy lúa sang chăn nuôi. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp cải thiện đời sống cho các hộ gia đình, toàn xã chỉ còn 16 hộ nghèo, chiếm 1,02%”.
Mong muốn phát triển cụm điểm công nghiệp
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT mang lại hiệu quả, trước khi tổ chức các lớp học, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg huyện Phú Xuyên đã kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện Đề án dạy nghề tại các xã, thị trấn. Trong quá trình tổ chức các lớp học nghề, ngoài việc kiểm tra của Ban chỉ đạo, UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu các xã, thị trấn quản lý lớp học, trường hợp có vấn đề sẽ kịp thời xử lý những sai sót.
“Huyện Phú Xuyên đang trong quá trình định hướng phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ, do đó đã xác định nghề đưa vào dạy theo mô hình gồm: May công nghiệp, khảm trai, mây giang đan, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa” – Phó Chủ tịch huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết. Do vậy, các cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT của huyện phải được đăng ký, cấp giấy phép dạy nghề của Sở LĐTB&XH Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ NN&PTNT. Các học viên tham gia học nghề phải đảm bảo thời gian học, đủ điều kiện thi và được cấp chứng chỉ học nghề.
Tuy nhiên, đa số LĐNT hiện nay chưa có nhận thức đúng về đào tạo nghề, học nghề. Trình độ tay nghề của NLĐ nông thôn không đáp ứng được yêu cầu của DN, sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề cho LĐNT còn thiếu. Sản phẩm chăn nuôi, trồng rau của bà con nông dân vẫn chủ yếu tự tiêu thụ ở các chợ trong TP. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của huyện Phú Xuyên đề xuất T.Ư, TP Hà Nội có quy định bổ sung, hoàn thiện đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề từ huyện đến xã, thị trấn. Cùng với đó, phát triển các cụm điểm công nghiệp, DN vừa và nhỏ để thu hút LĐNT, gắn kết được sản phẩm đầu ra cho NLĐ sau học nghề.