Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với sinh viên

Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm đại diện cho tâm hồn những sinh viên ra trận.

Nó mang lại sức sống trẻ trung, tươi tắn, đẹp đẽ cho một nền thơ đã bắt đầu quá nghiêm trang, nghiêm trọng hướng tới chiến trường. Không gian Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) tràn ngập thơ ca.
Xếp bút nghiên ra chiến trường
“Hoàng Nhuận Cầm về!” Không biết đứa nào kêu lên mấy tiếng ấy làm tôi bật dậy, xỏ dép chạy ra hành lang ngó ngang ngó ngửa. Không chỉ tôi, hành lang dài trở nên nhốn nháo. Mọi người rì rầm hỏi nhau: “Đâu? Đâu? Hoàng Nhuận Cầm đâu?”. Rồi tất cả nhao ra sân, náo động dưới dãy nhãn ký túc xá Mễ Trì nhìn lên. Một ai đó có vẻ thạo hơn: “Lên tầng ba rồi. Phòng nữ năm thứ tư”.
 Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (đứng giữa) trong một buổi giao lưu văn nghệ.
Tôi nhảy ba bậc cầu thang một nhịp để lên. Đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thấy anh Cầm ngồi giữa nền nhà, xung quanh là các chị lớp trên đang cười nói vui vẻ. Hoàng Nhuận Cầm đó. Nhỏ nhắn, gầy đen, mặc quân phục, mũ tai bèo thả sau cổ. Tôi nhớ như in gương mặt khắc khổ và gầy hơn cả mức bình thường của anh. Tôi quay ra cầu thang cũng là khi các chị em tầng dưới đang ùn ùn kéo lên. “Sao? Anh Cầm ở phòng nào? Cậu gặp chưa?”. Tôi nói nhanh: “Trông thấy rồi. Nhỏ lắm!”. Không ngờ, câu nói của tôi sau này, bọn con gái cứ nhắc đùa mãi: “Thấy rồi. Nhỏ lắm”. Sau này, Hoàng Nhuận Cầm mới về tiếp tục học K19, rồi lại đi, đến khóa sau nữa mới nhập lại. Khi đó, tôi đã là giảng viên. Và từ lúc đó, chúng tôi mới có dịp quen biết nhau hơn. Cái thời đó, những người trượt bộ đội như chúng tôi còn buồn hơn cả người trượt đại học sau này. Người đi chiến trường về đều là những anh hùng.

Những đêm thơ sinh viên

Cuối năm 1974, chúng tôi tổ chức đêm thơ đầu tiên trên không gian ký túc xá Mễ Trì do nhà thơ Đỗ Minh Tuấn khởi xướng và cựu chiến binh Phạm Hải Triều vẽ phông trang trí. Đêm thơ mang tên “Những gương mặt đẹp dưới vành mũ tai bèo”. Đó chính là đêm thơ đón chào các sinh viên rời mái trường trở về ngày càng đông sau Hiệp định Paris được ký kết. Sinh hoạt đêm thơ Khoa Ngữ văn khởi sắc từ đó và ngày càng trở thành một phong trào thơ ca phát triển rộng khắp, lan tỏa ra nhiều trường đại học khác. Cũng từ đó, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thành người đọc chủ lực trong mọi đêm thơ của phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội cũng như nhiều trung tâm văn hóa trên đất Thủ đô hơn 40 năm.

Tổ chức và dẫn dắt một đêm thơ là cả một công phu. Mỗi đêm thơ lớn, tối đa có thể có 28 nhà thơ tham gia đọc, thường là một nhà thơ đọc từ 2 - 3 bài. Người dẫn phải biết hết cả chừng ấy phong cách thơ để không những giới thiệu cho hấp dẫn mà còn sắp xếp làm sao cho đêm thơ nồng nhiệt từ đầu đến cuối.
Các nhà thơ đều đọc những bài tâm đắc của mình nên chất lượng khỏi lo. Tuy nhiên, phong cách trình bày là rất khác. Có người trầm lắng, có người khúc triết, có người tâm tình thủ thỉ, có người sôi nổi và có người trịnh trọng diễn. Kết hợp tất cả để thành một bản “hợp xướng” thơ là một điều rất khó. Có khi ngỡ là vỡ trận. Hoàng Nhuận Cầm có một phong cách cháy bừng bừng. Cả người anh là một bó đuốc cháy kiệt cùng với thơ mình trên sân khấu. Người nghe nhiều khi hốt hoảng nghĩ rằng, anh sẽ kiệt sức khi đọc câu cuối cùng. Nhưng, đột ngột giữa tiếng vỗ tay như sóng, tiếng ồn ã la hét đòi đọc lại, giữa rừng mũ và khăn tung lên, anh nở nụ cười hiền và lại giống như học trò có lỗi. Nhưng không phải vì anh lợi khẩu, trình diễn hay khoa trương gì cả. Anh đang hết mình vì thơ ca.
Trong cuồn cuộn của nhịp điệu và tiết tấu kia là sự vật vã của từng con chữ, từng liên tưởng lạ lùng nhưng dễ thương, hồn nhiên, gần gũi mà bùng nổ. Thuốc nổ của anh là sự va chạm các hình ảnh bất chợt, bất thường. Xen giữa những câu thơ như bình dị là những kết hợp ngôn từ biệt dị. Xen giữa lối đi thơ dường như nhịp nhàng là sự buông phóng ý tứ không định trước, không lập trình, khó lường được.
Xen giữa cái khuôn thức luân hồi bốn câu là sự tùy hứng lưu thủy hành vân từ khổ này qua khổ khác, bứt khỏi sự câu thúc, câu nệ. Bất ngờ và không thể đoán trước cái dòng chảy duy mỹ của anh sẽ rẽ theo lối nào. Nó ào ạt đập vào tâm cảm của người nghe đợt này, đợt khác, thắm thiết, sững sờ… Nhiều người thuộc thơ anh rồi nhưng vẫn thích nghe chính anh đọc.
Bao giờ cũng vậy, chúng tôi thường xếp anh đọc vào gần cuối buổi để tạo cao trào và níu khách. Anh sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi của mình. Còn chúng tôi thì cho anh cái quyền muốn đọc bao nhiêu bài cũng được. Nhưng anh có một tư cách khiến mọi người yên tâm: Vì thành công chung của cả chương trình nên không bao giờ lạm dụng. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Nguyễn Duy là những người từng trải mà mọi chương trình có thể yên lòng về họ.

Anh Cầm ơi! Muôn vàn nhớ giọng thơ anh!

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Năm 1971, đang học dở Khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 – 1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ “Xúc xắc mùa Thu”. Ông còn nổi tiếng với nhân vật “Bác sĩ Hoa Súng” trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần” và vai nhà thơ trong phim “Số đỏ”.

Chiều 20/4, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ra đi đột ngột tại nhà riêng, thọ 69 tuổi. Tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra từ 14 giờ 30 - 16 giờ thứ Bảy ngày 24/4/2021 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, TP Hà Nội.