Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 29/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 0,24%, tương đương 0,21 USD, lên 86,82 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 được giao dịch ở mức tăng 0,69 USD, tương đương 0,77%, lên 90,03 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, giá dầu Brent giao tháng 3 đã tăng 69 cent lên 90,03 USD/thùng, sau khi chạm mức 91,70 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Dầu thô WTI của Mỹ cũng kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 0,24% lên 86,82 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá dầu WTI đã có lúc chạm “đỉnh” trong vòng 7 năm qua là 88,84 USD/thùng.
Nguyên nhân được chỉ ra, do bất ổn địa chính trị làm trầm trọng thêm lo ngại về nguồn cung năng lượng eo hẹp khiến cả 2 mặt hàng đều lên đỉnh.
Nguồn cung dầu thắt chặt đã đẩy cấu trúc thị trường trong 6 tháng đối với dầu Brent vào mức bù hoãn bán 6,92 USD/thùng, mức lớn nhất kể từ năm 2013. Bù hoãn bán tồn tại khi các hợp đồng giao dầu kỳ hạn gần được định giá cao hơn so với những tháng sau đó, khuyến khích các nhà giao dịch giải phóng dầu từ kho dự trữ để nhanh chóng bán dầu.
Giá dầu “leo thang” bởi những lo ngại về một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra ở Ukraine có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng, đặc biệt là nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Bên cạnh đó, cuộc tấn công vào các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) của nhóm Houthi của Yemen cũng làm dấy lên lo ngại gián đoạn nguồn cung vốn đang eo hẹp.
Nhiều thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các đồng minh (OPEC +) hiện vẫn đang phải “vật lộn” để nâng mức sản lượng của mình do thời gian qua đã “lơ là” đầu tư nhằm nâng cao công suất.
Mọi con mắt đều đang đổ dồn vào lần nhóm họp tới của OPEC + ngày 2/2 để xem liệu nhóm này có tiếp tục tăng sản lượng hằng tháng của mình lên 400.000 thùng dầu/ngày cho tháng 4 hay không.Về phía cầu, theo các nhà phân tích và lãnh đạo của các công ty dầu mỏ, nhập khẩu dầu thô tại Trung Quốc - nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới - có thể tăng trở lại 7% trong năm nay.