Tăng tính tập trung
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập trong Dự Luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2 của Dự Luật. Theo đó, giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.Một số ý kiến đại biểu Quốc hội khác lại tán thành với phương án 1 của Dự Luật, theo đó giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, cũng có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án nhận thấy, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là bộ phận làm công tác tổ chức, còn thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm trong kiểm soát tài sản, thu nhập… dẫn đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp.“Việc sửa đổi mô hình cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường hơn tính tập trung và phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Nhất là, trong điều kiện Dự thảo Luật mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập; xác minh, xử lý tài sản, thu nhập; tham gia tố tụng khi người có nghĩa vụ kê khai khởi kiện kết luận xác minh...” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu.Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, thời điểm hiện nay, lựa chọn phương án 1 của Dự Luật, giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập là chưa phù hợp. Việc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập cũng không phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy, biên chế, lại gặp phải vướng mắc.Đề xuất phương án “bán chuyên trách”Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và Thanh tra Chính phủ thống nhất chọn phương án 2 của Dự Luật, với mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng “bán chuyên trách” để khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải nhiều đầu mối, tăng cường hơn tính tập trung, bảo đảm khách quan, minh bạch trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu trong kiểm soát tài sản, thu nhập.Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, chỉnh lý như vậy “vừa có cái mới so với trước đây, vừa khắc phục được một số bất cập”. Phương án xử lý này có điểm mới, khắc phục được bất cập hiện nay về dàn trải đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ quan điểm tán thành. Đây là phương án vừa tập trung nhưng cũng có phân cấp, phân công cho các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập theo quy định.Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vẫn băn khoăn, dù phương án này khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải nhiều đầu mối, tăng cường hơn tính tập trung nhưng thiếu tính khách quan, vì đơn vị nào sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thanh tra.