Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư của Đức vào Nga “trở lại quỹ đạo” bất chấp lệnh trừng phạt của EU

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư của Đức tại Nga trong quý III đã tăng lên mức 700 triệu euro sau khi ghi nhận mức sụt giảm trong quý trước đó.

Theo dữ liệu của Phòng Thương mại Nga - Đức, vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Đức vào Nga đạt tổng cộng 1,3 tỷ euro trong 9 tháng đầu năm 2020.
 Đầu tư của Đức vào Nga tăng trở lại trong quý III.
Theo dữ liệu của ngân hàng Bundesbank, tổng nguồn vốn đầu tư của các DN Đức tại Nga trong quý III/2020 đã đạt mức 700 triệu euro sau khi ghi nhận mức sụt giảm trong khoảng thời gian từ tháng 4-tháng 6.
Theo ông Rainer Seele, Chủ tịch Phòng Thương mại Nga - Đức đồng, thị trường Nga được đánh giá có nhiều triển vọng đối với các công ty Đức nhờ sức tiêu thụ cao.
Ông Seele lưu ý thêm rằng mức sụt giảm đầu tư của Đức tại Nga trong quý II chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
Theo ông Seele, hiện nhiều DN Đức đã quyết định mở rộng đầu tư tại Nga. Công ty sản xuất máy móc nông nghiệp CLAAS đang mở rộng năng lực sản xuất ở TP Krasnodar, miền nam nước Nga, trong khi đó nhà sản xuất vật liệu xây dựng Knauf đã đầu tư thêm 50 triệu euro vào một dây chuyền sản xuất mới gần TP St.Petersburg.
Bên cạnh đó, chuỗi đại siêu thị bán lẻ của Đức Globus cũng đầu tư 50 triệu euro để mở rộng kinh doanh tại Nga.
Trước đó, hôm 10/12, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Các lệnh trừng phạt này được áp đặt đối với Nga lần đầu tiên sau khi máy bay MH17 của hãng Malaysian Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine vào tháng 7/2014, khiến 298 người trên khoang thiệt mạng. Kể từ đó, các lệnh trừng phạt được gia hạn đều đặn 6 tháng/lần.
EU khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Đây là thỏa thuận được Nga và Ukraine ký năm 2015 với mục tiêu chấm dứt xung đột và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho lực lượng phiến quân ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine.