Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy lùi tội phạm tín dụng đen

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hàng loạt các biện pháp trấn áp của lực lượng công an đối với hoạt động tội phạm tín dụng đen, thời gian qua, loại hình tội phạm này đã có chiều hướng kéo giảm, không còn manh động, công khai như trước. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, đây là một loại hình tội phạm rất nguy hiểm, hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự theo kiểu "xã hội đen” vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp…

Lực lượng Công an TP Hà Nội thu giữ số lượng lớn vũ khí từ hoạt động tội phạm liên quan đến tín dụng đen.
Tội ác từ tín dụng đen
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm (riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 - 15/2/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan tín dụng đen). Trong đó, đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê. Một số vụ điển hình như vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỷ đồng, 3 xe ô tô tại Hà Nội. Theo đó, ngày 25/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm núp bóng DN tổ chức cho vay nặng lãi. Cầm đầu đường dây tội phạm này là Triệu Đình Hoan (SN 1979, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội). Khách hàng của Hoan chủ yếu là các DN hoặc cá nhân vay với mục đích đáo nợ ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất Hoan cho vay dao động từ 2.000 – 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày…

Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành giải quyết về tín dụng đen, góp phần làm giảm sự phức tạp. Trong đó giải pháp nhằm hạn chế loại băng nhóm tội phạm này là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen như hiện nay. Đối với ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, vốn lành mạnh, không cho tín dụng đen có đất hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Cũng trong tháng 1/2019, Công an quận Nam Từ Liêm đã làm rõ hành vi của các đối tượng, cầm đầu là Đào Xuân Thắng, Trần Văn Quý và Nguyễn Tiến Dũng. Nhóm đối tượng này quản lý một trang mạng internet cho 626 người vay với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng, đã thu lãi được gần 2,2 tỷ đồng, trong đó tại địa bàn quận Nam Từ Liêm có 41 người đã vay tiền… Theo Đại tá Lê Đình Thành - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, người đi vay tín dụng đen rất đa dạng, có thể do hoàn cảnh khó khăn túng quẫn, làm ăn thua lỗ, phần lớn là sử dụng vào chơi cờ bạc, lô đề, bóng đá. Họ thường không công khai việc vay nợ, khi bị đòi, o ép thì họ không trả được mà phải bỏ nhà và các đối tượng đến nhà để đòi nợ, đe dọa, ném chất bẩn, chất thải hòng siết nợ. Khi người vay nợ bị tấn công, họ hoặc gia đình họ mới trình báo và đây là vấn đề gây khó khăn cho việc phòng ngừa cũng như điều tra, xử lý của lực lượng công an.
Vừa qua, ngày 11/6 vụ án rúng động liên quan đến tín dụng đen vừa được Công an tỉnh Thanh Hóa hoàn tất kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 11 đối tượng của Công ty Tài chính Nam Long. Công ty này hoạt động dưới sự điều hành của Nguyễn Cao Thắng và Nguyễn Đức Thành. Lúc cao điểm, công ty này có trụ sở 25 chi nhánh (khu vực) ở 23 tỉnh, TP trên toàn quốc; mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 - 4 tỉnh. Nguyễn Đức Thành cho núp bóng dưới hình thức hoạt động trên lĩnh vực xây dựng. Mức lãi suất mà các đối tượng cho vay từ 185 - 205%/năm. CQĐT làm rõ số tiền mà các đối tượng đã cho bị hại vay là hơn 16,3 tỷ đồng; số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt là gần 5,2 tỷ đồng. Ngoài mức lãi suất cao, nhóm đối tượng điều hành công ty này áp dụng những chiêu trò rất manh động, áp dụng đối với khách vay và chính nhân viên công ty. Nạn nhân là Nguyễn Văn Minh (SN 1999, quê quán Bắc Giang) đã phải “gánh” hình phạt dã man của công ty. Khi thu tiền của khách hàng, anh Minh đã “cầm” hơn 16 triệu đồng cùng với xe máy của công ty đi. Khi bắt được anh Minh, nhóm Thành ra tay ngay tại chỗ, rồi tiếp tục đưa về chi nhánh công ty ở huyện Sóc Sơn để hành hung khiến nạn nhân tử vong.
Ổ nhóm tội phạm cho vay nặng lãi do Triệu Đình Hoan cầm đầu bị bắt giữ.
Tập trung trấn áp, ngăn chặn
Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đánh giá, thời gian qua, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen có chiều hướng diễn biến khá phức tạp. Hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra ở hầu hết các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Ngoài những DN, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng khó tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, còn có những người ham mê cờ bạc, thua cá độ bóng đá tìm đến tín dụng đen để vay nóng. Tín dụng đen thậm chí được ví như “cướp ngày”, gây bất ổn xã hội, dẫn đến nhiều loại tội phạm và các hành vi phạm pháp… Các lực lượng công an, đặc biệt là Công an TP Hà Nội đã tổ chức triệt phá nhiều tổ chức tội phạm hoạt động tín dụng đen, góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên, khi tội phạm này càng bị “đánh” mạnh thì thủ đoạn hoạt động của chúng càng tinh vi, xảo quyệt.

Công tác nghiệp vụ cơ bản được coi trọng và là cơ sở để thực hiện biện pháp phòng ngừa, điều tra khám phá các vụ án liên quan đến tín dụng đen. Chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm mới nhen nhóm, manh nha hình thành để có đối sách, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sát hợp để phòng ngừa, triệt phá hoặc làm tan rã băng nhóm. Tập trung các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá nhanh các vụ việc liên quan đến các băng nhóm, đối tượng hoạt động kinh doanh tín dụng đen, kiên quyết không để chúng hoạt động công khai, lộng hành.

Thượng tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội

Về công tác ngăn chặn, trấn áp hoạt động tội phạm tín dụng đen, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội cho biết: Khi manh nha phát hiện hoạt động tín dụng đen, qua công tác nắm tình hình, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an TP ban hành Kế hoạch 231 đấu tranh với tội phạm tín dụng đen. Gần 3 năm qua, lực lượng CSHS (Công an Hà Nội) đã xác lập hàng chục chuyên án, đấu tranh với các ổ nhóm cho vay tín dụng đen. Ở cấp cơ sở, Phòng CSHS đã chủ động tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có liên quan đến tín dụng đen, dịch vụ cầm đồ, biến tướng của dịch vụ cầm đồ để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, qua đó tự phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm… Đồng thời, Phòng CSHS cũng tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TP chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT và phối hợp chặt chẽ với VKSND, TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Để ngăn ngừa tín dụng đen hiện có Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự có quy định nhưng còn chung chung. Vì vậy, phải có quy định cụ thể, nâng cao hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hai phía cho vay và đi vay. Đặc biệt, cần chế tài xử lý mạnh tay hơn về lãi suất cho vay quá cao hay quy định về cách đòi nợ, truy thu nợ bằng những thủ đoạn manh động. Tuy nhiên, luật pháp chỉ kiểm soát phần ngọn, phần gốc là con người. Bởi vậy, hạn chế tối đa loại hình tín dụng đen vẫn là nâng cao nhận thức của người dân… Về phía TAND tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử Điều 201 Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.