Kinhtedothi - Ngân hàng (NH) nỗ lực nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn không tiếp cận được vốn vay, đó là thực tế đang diễn ra thời gian qua. Những rào cản như rủi ro của dự án, nợ xấu, điều kiện cho vay chặt… đang khiến dòng vốn NH đang gặp không ít khó khăn trong hành trình tìm đến DN.
Chưa thể “bắt tay”
Ông Võ Chí Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đa quốc gia cho biết, hiện nay, các DN đang gánh chịu rất nhiều rủi ro về pháp lý khi đầu tư vào các dự án. Vướng quy hoạch, dự án dừng thi công, "đắp chiếu" 3, 4 năm trời… và những điều này đã khiến NH quay lưng với DN. "Nếu không tháo gỡ những vướng mắc pháp lý của dự án thì không những DN chủ dự án không vay được vốn NH mà cả các DN thực hiện hạ tầng cũng theo đó bị NH quay lưng" - ông Dũng nêu thực trạng. Đại diện nhiều DN thừa nhận, thời gian qua, rất nhiều NH đã chủ động tìm đến mời chào DN. Lãi suất mời vay giảm mạnh ở mức 7 - 8%/năm. Tuy nhiên, DN vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn này.
Ông Phạm Việt Hải - đại diện Công ty Điện hóa Hà Sơn chia sẻ, DN có đất được Nhà nước giao sử dụng 50 năm. Nhưng khi đi vay vốn, NH cho rằng, đó chỉ là đất Nhà nước giao cho DN sử dụng chứ không phải đất của DN. Giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống, theo đó hạn mức tín dụng của DN cũng ít đi. "Bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ DN, để NH cảm thấy an toàn hơn khi xét duyệt cho vay" - ông Hải kiến nghị. Bên cạnh đó, hiện nay, không nhiều DN đáp ứng được điều kiện tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi từ NH. "Có NH mời vay lãi suất 8%/năm nhưng yêu cầu DN không có nợ xấu. Điều này rất khó cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Hơn nữa, thời hạn cho vay vốn lưu động quá ngắn, khoảng 4 - 6 tháng, làm sao DN quay vòng được" - đại diện một DN trên địa bàn quận Nam Từ Liêm phản ánh.
Mở rộng kết nối
Hiện nay, UBND TP Hà Nội, NH Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội và các quận, huyện đang phối hợp triển khai chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn. Tính riêng trong tháng 6/2014, các NH đã giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng cho vay kết nối theo chương trình này với lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 9,5 - 10%/năm, cho vay ngắn hạn từ 6,5 - 7%/năm.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, hệ thống NH vẫn tiếp tục giảm lãi suất với các DN có phương án kinh doanh khả thi. Lãi suất cho vay hiện chỉ cao hơn lãi suất huy động khoảng 2%/năm. "Trong 2%/năm này có 0,5% chi đóng bảo hiểm tiền gửi, 0,5% cho dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro… nên NH lãi rất ít. Thậm chí, nhiều khoản vay, NH chấp nhận lỗ" - bà Sương khẳng định.
Các giải pháp khác để tháo gỡ khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn như điều chỉnh kỳ hạn nợ, cơ cấu lại nợ… cũng đã được NHNN và các NH thương mại triển khai tích cực. Với các DN có phương án kinh doanh khả thi nhưng dòng tiền chưa về, thiếu vốn và vẫn đang nợ vay, NH đã thực hiện cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ để DN tiếp tục được vay vốn thực hiện dự án.
Chia sẻ khó khăn với DN, nhưng Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định, với những dự án rủi ro, không có phương án kinh doanh khả thi thì NH cũng không thể cho vay. Bên cạnh đó, nếu phương án kinh doanh của DN không phát huy hiệu quả, tiền không về, DN không trả được vốn vay làm gia tăng nợ xấu thì NH cũng không thể mạo hiểm cấp tín dụng. Bởi vậy, bản thân DN cũng phải nỗ lực cố gắng tái cơ cấu để tạo niềm tin cho NH.
Mặc dù đã có những cơ chế, chính sách cho các DN vay vốn nhưng nhiều DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng trứng gà sạch tại Công ty 3F. Ảnh: Linh Anh
|
Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cơ cấucác công ty con Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây. Văn bản cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty con là công ty cho thuê tài chính, hỗ trợ các công ty cho thuê tài chính nâng cao năng lực quản trị. |