Khả năng hấp thụ vốn của các dự án chậm nên tỷ lệ giải ngân không cao
Về kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố, Giám đốc Sở KH&ĐT nêu, tổng nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn đến nay là 364.678 tỷ đồng (gồm cấp Thành phố là 278.841 tỷ đồng, cấp huyện là 85.837 tỷ đồng). Kế hoạch đã bố trí năm 2021, 2022, 2023 tổng là 142.437,9 tỷ đồng, đạt 39,06% tổng kế hoạch trung hạn. Kết quả giải ngân năm 2021, 2022 là 81.950/97.724 tỷ đồng trên tổng kế hoạch đã bố trí, đạt 83,9% kế hoạch. Năm 2023, toàn Thành phố giải ngân đến ngày 15/6/2023 là 13.123 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm.
Ông Lê Anh Quân cho biết, 2 năm qua, Kế hoạch đầu tư công đã được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai với phương châm vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế, góp phần chủ động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như tình hình triển khai, khả năng hấp thụ vốn của các dự án chậm nên tỷ lệ giải ngân không cao; vẫn còn dự án được bố trí vốn năm 2021, 2022 nhưng không giải ngân hết, bị hủy dự toán; công tác phê duyệt, điều chỉnh thủ tục đầu tư còn chậm. Ngoài ra, áp lực bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2023-2025 của cấp Thành phố rất lớn, còn gần 191,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,8% kế hoạch vốn trung hạn…
Để triển khai kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 hiệu quả với tinh thần nỗ lực và quyết tâm; khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025. Trong đó, với nguồn vốn đầu tư công trung hạn cấp Thành phố, nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách địa phương không thay đổi; nguồn vốn ODA vay lại đề xuất điều chỉnh giảm trên 25.351 tỷ đồng.
Với Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp Thành phố nguồn vốn ngân sách địa phương (không bao gồm ODA vay lại) được điều chỉnh trên nguyên tắc không làm thay đổi tổng nguồn vốn kế hoạch 5 năm 2021-2025 ngân sách Thành phố (không gồm vốn ODA vay lại). Đối với các dự án chuyển tiếp, giảm 4.917,1 tỷ đồng của 28 dự án do chậm triển khai, có nhiều khó khăn vướng mắc hoặc do đã hoàn thành, hoặc không còn nhu cầu kế hoạch vốn; tăng 5.507,6 tỷ đồng của 47 dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để hoàn thành trong giai đoạn.
Với các dự án mới đã có chủ trương đầu tư sau điều chỉnh giảm 3.113,3 tỷ đồng và điều chỉnh tăng 1.279,6 tỷ đồng cho một số lĩnh vực.
Về danh mục 39 công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT, trong 2 năm qua, Thành ủy, HĐND - UBND Thành phố đã quan tâm chỉ đạo, điều hành, ưu tiên bố trí vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án còn chậm. Hiện còn 13 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; 6 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án. Kết quả giải ngân thấp.
Trên cơ sở rà soát, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua điều chỉnh tiến độ, kế hoạch vốn, bổ sung danh mục một số dự án công trình trọng điểm. Theo đó dự kiến hoàn thành 14 công trình trong giai đoạn 2021-2025, giảm 3 công trình so với quyết nghị của HĐND Thành phố.
Kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 dự kiến bố trí/dự nguồn cho 32 dự án sử dụng vốn ngân sách sau điều chỉnh là 83,9 nghìn tỷ đồng (giảm 6,6 nghìn tỷ đồng so với dự nguồn hiện nay) và đề xuất bổ sung 2 dự án hỗ trợ xây dựng mở rộng trụ sở Bộ Công an và dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính vào danh mục các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố.
Tránh đầu tư kéo dài, đội vốn, lãng phí
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Vân Nga đánh giá cao những vấn đề tồn tại vướng mắc đã được chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay đã là 1/2 thời gian thực hiện Kế hoạch, Thành phố cần nghiên cứu, đánh giá, phân tích thêm việc triển khai Kế hoạch đầu tư công trong thời gian qua đã tác động, tạo đà và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đảng bộ thành phố Hà Nội đầu nhiệm kỳ đã đề ra.
Về kết quả đạt được đến giữa kỳ trung hạn vẫn chưa đạt yêu cầu, mặc dù kết quả giải ngân năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ rõ một số vấn đề bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện như việc lập và điều hành kế hoạch chất lượng chưa cao; tổ chức thực hiện Kế hoạch còn hạn chế, thiếu đồng bộ giữa các cấp, các ngành; Thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai thi công và giải ngân chậm. Tổ chức thực hiện sau khi phân cấp ủy quyền còn một số vướng mắc…
Về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố: Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất sự cần thiết và nguyên tắc điều chỉnh do UBND Thành phố trình và đề nghị làm rõ khả năng đáp ứng nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn dự kiến của Kế hoạch trung hạn như hiện nay trong điều kiện bối cảnh kinh tế 2 năm tới dự báo còn nhiều khó khăn.
Ban cũng đề nghị rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt và phấn đấu cao nhất trong tổ chức thực hiện để tránh việc triển khai đầu tư kéo dài, đội vốn, lãng phí, rà soát nghiên cứu các giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án tồn đọng, cần phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm.
Thẩm tra về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận định, việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 là cần thiết nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đáp ứng kịp thời các dự án có nhu cầu vốn phục vụ những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và địa phương.
Để phương án điều chỉnh cụ thể đảm bảo phù hợp quy định cũng như đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc điều chỉnh đã đề ra, Ban đề nghị UBND Thành phố làm rõ tiến độ, thời gian hoàn thành các dự án điều chỉnh vốn, đồng thời rà soát, xem xét cân nhắc không giảm vốn đối với các dự án cần hoàn thành trong năm 2023, tránh trường hợp dự án kéo dài, đầu tư dở dang. Đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị (cả chủ đầu tư và các cơ quan liên quan) trong việc đề nghị giảm vốn do tổ chức thực hiện chậm, không đáp ứng tiến độ yêu cầu đối với các dự án trọng điểm, quan trọng, dự án triển khai kéo dài gây lãng phí hoặc không hiệu quả đã được nêu tại Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc Hội.
Về định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản thống nhất các nội dung về mục tiêu, nguyên tắc định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 do UBND Thành phố trình. Tuy nhiên, UBND Thành phố cần rà soát, báo cáo bổ sung về các căn cứ đề xuất dự kiến nguồn vốn ngân sách dành cho chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024, khi dự kiến tổng vốn ngân sách Thành phố là 57.964,643 tỷ đồng, tăng 23,5% so với tổng nguồn đã giao đầu năm 2023 (46.946, 267 tỷ đồng), tăng 9% so với tổng nguồn đề nghị điều chỉnh năm 2023.
“Năm 2024 là năm tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hấp thụ cơ bản kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cân đối bố trí. Do đó đề nghị UBND Thành phố cần có các giải pháp quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công và công tác điều hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch” - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Vân Nga nêu.