Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy thêm, học thêm: Chưa có “thuốc” đặc trị

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã được đề cập nhiều và gây bức xúc không ít cho dư luận cũng như phụ huynh học sinh (HS), song tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.

Nhiều cô giáo vẫn dạy “chui” tại nhà, nhiều trung tâm dạy thêm vẫn mọc lên như nấm... 
Mở lớp dạy thêm tràn lan

Bộ GD&ĐT đã có quy định về DTHT, theo đó, yêu cầu các trường tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Đồng thời không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống... Thế nhưng, tình trạng DTHT vẫn diễn ra tràn lan.
 
Theo phản ánh của người dân qua đường dây nóng của báo Kinh tế & Đô thị, chúng tôi đã tìm hiểu nhiều điểm dạy thêm trên địa bàn. Tại khu tập thể Khương Thượng có lớp học thêm buổi tối với học phí 120.000 đồng/buổi/HS. Ngoài ra, còn khá nhiều địa điểm được GV thuê gần trường học để tiện việc HS sau khi tan học chính khóa tới lớp học thêm. Cụ thể, tại ngõ Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm), HS học thêm 2 buổi/tuần, THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm), Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) cũng nhiều lớp dạy thêm được mọc lên. Có nơi còn thuê cả cơ sở vật chất trường mầm non làm địa điểm dạy thêm cho HS tiểu học.

Kinh doanh giáo dục

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như 100% HS “tự nguyện” học thêm đều có lá đơn được soạn sẵn, phụ huynh, HS chỉ việc "điền vào chỗ trống" để hợp thức hóa việc dạy thêm. Còn GV dùng "chiêu" ép HS học thêm, điển hình là bài kiểm tra trên lớp chủ yếu rơi vào bài đã học thêm. Chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thị Thơ - nguyên Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, GV như vậy là không có đạo đức. Đây là một hình thức kinh doanh giáo dục. Bà Thơ tính toán, 1 buổi dạy 2 – 2,5 giờ, bài tập được in sẵn, HS ngồi làm bài, thỉnh thoảng cô kiểm tra mà thu về từ 4 - 5 triệu đồng/buổi, 1 tháng cô thu 30 - 40 triệu đồng.

Cũng theo bà Thơ, người GV dạy học phải có tâm, truyền đạt kiến thức, nhen nhóm được ngọn lửa học tập cho các em. “Đa số HS học thêm đều cảm thấy áp lực, cố làm cho xong bài tập cô ra, buổi học khô khan, mất hết niềm hứng khởi cũng như tính sáng tạo. GV thì thiếu đam mê, cốt là để thu tiền” – bà Thơ khẳng định.

Để giải quyết dứt điểm DTHT, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết ngành giáo dục phải làm quyết liệt, nghiêm minh, đồng thời quan tâm hơn đến đời sống GV, cơ chế chính sách, tiền lương để GV tận tâm dạy học. Khi đã có sự đãi ngộ xứng đáng mà GV vẫn vi phạm thì đuổi ra khỏi ngành.

Dù đã có quy định, nhưng vấn nạn DTHT không có “thuốc” đặc trị bởi cơ quan chủ quản đang buông lỏng quản lý, không có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng này. Vậy nên, cứ đầu năm học, phụ huynh HS lại nhiều nỗi niềm trăn trở, không chỉ chuyện tiền trường, tiền lớp mà cả câu chuyện DTHT.