Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề án 06 của Chính phủ: Cắt giảm thủ tục, làm giàu dữ liệu dân cư

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhìn lại một năm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia, trọng tâm là thực hiện Đề án  06 của Chính phủ, có thể thấy các mục tiêu có tính chất nền tảng đã cơ bản đạt được, góp phần giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, làm giàu dữ liệu dân cư.

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06 của Chính phủ) đã được triển khai theo hướng đi vào những nội dung cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm việc nào dứt điểm việc đó.

Loại bỏ dần tình trạng tham nhũng vặt

Theo báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, tính đến 21/12/2022, có 154.840.409 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 56.679.044 hồ sơ so với tháng 1/2022, thời điểm chưa triến khai Đề án 06). Trong đó, có 6.519.773 hồ sơ trực tuyến.

Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như (Xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 92%); đăng ký thi online 93,1%....). Đã tích hợp VNEID trên cổng dịch vụ công Quốc gia để tao điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ.

Giá trị của những dịch vụ này mang lại là tiết kiệm cho nhà nước 2.047 tỷ đồng. Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như: Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.

Đáng chú ý, trong tháng 11/2022, đã triển khai thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí vào ngày 21/11/2022 tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Sau 3 tuần triển khai thí điểm, đã tiếp nhận 1.808 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh và 225 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử. Nhờ đó, đã xây dựng 1 biểu mẫu điện tử chung, qua đó cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết và giảm thời gian đi lại. Góp phần từng bước xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ giữa hệ thống của Bộ Tư pháp, Bảo hiểm, Y tế, Lao động để thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính.

 Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”

Là một trong những địa phương làm điểm Đề án 06, TP Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án quyết liệt, có trọng tâm.

Các sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn đã nhận thức nghiêm túc, sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tích cực triển khai các nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc giải quyết thủ tục hành chính; đã cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%), đảm bảo hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022.

Về thực hiện điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, TP đã tiếp nhận đạt tỷ lệ  37,1% liên thông khai sinh/tổng số (3.067/9.653) và 10,1 % liên thông khai tử/tổng số (291/2.858), tiếp tục tích cực cùng các Bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế.

Thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và khai thác các tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: 6.018.769 thẻ CCCD - 4.026.354 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; kích hoạt 15.121 định danh mức 1 và 528.785 định danh mức 2.

Hướng dẫn "cầm tay chỉ việc", tuyên truyền trên Zalo, Facebook, TikTok 

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người dân kích hoạt và sử dụng toàn khoản định danh điện tử còn chưa cao (đạt tỷ lệ 15,6%). Có nguy cơ chồng chéo chức năng giữa ứng dụng địa phương và ứng dụng Quốc gia, lãng phí nguồn nhân lực xây dựng. Bộ TT&TT chưa đẩy mạnh cung cấp chữ ký số miễn phí để người dân sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính.

Riêng tại Hà Nội, việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng (khoảng 4,5 triệu công dân từ 16 đến 60 tuổi – nhóm đối tượng tham gia thực hiện tốt các giao dịch trên môi trường điện tử).

Ngoài nguyên nhân về thói quen và tâm lý truyền thống của người dân khi làm thủ tục hành chính là muốn đến trực tiếp cơ quan hành chính để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ, thì còn nguyên nhân là do quy trình phức tạp sẽ khiến người dân ngại thao tác trực tuyến, từ đó hạn chế sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, xác định được những nguyên nhân đó, thời gian tới, TP Hà Nội triển khai tập trung vào truyền thông cơ sở và hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”. Trong đó, việc thông tin truyền thông cơ sở được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thông qua thông tin báo chí, tài liệu tuyên truyền, phát thanh, chuyên mục, video clip hướng dẫn, các kênh thông tin mạng (Zalo, Facebook, Tiktok... ). Đặc biệt các thông điệp truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.

Về hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” với vai trò nòng cốt là đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa, Đoàn Thanh niên và vai trò quan trọng của các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính của TP Hà Nội; học sinh, sinh viên trên địa bàn TP…

“TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tương xứng và quy trình thuận lợi, đơn giản. TP đã và đang chỉ dạo các đơn vị tăng cường và rà soát, xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu theo đúng quy định và hướng dẫn, bảo đảm chuẩn kết nối giữa các Hệ thống”  - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết.

 

Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đổi mới, hoàn thiện quy trình các dịch vụ công trực tuyến bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chúng ta cần lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần đẩy mạnh hơn, trong đó cần phát huy vai trò của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, Đoàn Thanh niên… trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số và chủ động thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.