Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề án cho thuê vỉa hè: Cần thiết và cấp thiết

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá khứ, Hà Nội đã không ít lần triển khai các kế hoạch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Vỉa hè thông thoáng trên phố Bà Triệu. Ảnh: Thanh Hải
Vỉa hè thông thoáng trên phố Bà Triệu. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, do thiếu những ý tưởng táo bạo hợp lòng dân, những biện pháp căn cơ đã khiến những kế hoạch này rơi vào cảnh “sáng nở, chiều tàn”.

Người dân mong ngóng

Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP năm 2023 đang ở trong giai đoạn 3 – giai đoạn kiểm tra, duy trì, không để tái diễn vi phạm.

Có thể nói, đây là giai đoạn rất “nhạy cảm” và áp lực nhất đối với chính quyền các địa phương. Nói như vậy là bởi, biện pháp đẩy đuổi, xử phạt vi phạm là chuyện nhỏ, nhưng làm thế nào để người dân không tái vi phạm mới khó.

Còn nhớ, tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh: “Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch”.

 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… vỉa hè được cho thuê một phần để tổ chức kinh doanh. Trong đó, tại các khu vực được tổ chức cho thuê vỉa hè, các trường hợp kinh doanh phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và điều quan trọng nhất là nhất định phải dành một phần vỉa hè cho người đi bộ. Ngoài ra, phí thuê vỉa hè ở các nước rất cao, được tính tùy theo khu vực, khu vực càng đông đúc, có thế mạnh về văn hóa du lịch… phí càng cao và ngược lại.

Có thể nói, phát biểu của người đứng đầu TP đã chỉ ra rõ những bất cập trong câu chuyện đảm bảo trật tự đô thị, nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ và nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, chính quyền các phường xã trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, từ khi Bí thư Thành ủy Hà Nội có chỉ đạo đến nay, câu chuyện thí điểm cho thuê một phần vỉa hè để phát triển kinh tế vẫn rất mông lung với những người dân và các cơ quan chức năng địa phương.

Hiện, điều duy nhất mà người dân Thủ đô nắm được là việc từ năm 2022, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thí điểm cho thuê một phần vỉa hè phố Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt để tổ chức bán café, giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ du khách. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, sử dụng tạm thời hè phố với giá thuê là 45.000 đồng/m2/tháng... Song đến hiện vẫn chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả của việc thí điểm này.

Một quán ăn đêm trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Một quán ăn đêm trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Ở một góc độ khác, chị Nguyễn Thị Nhâm, một tiểu thương kinh doanh hàng ăn trên phố Trung Kính chia sẻ, cả gia đình 5 người lớn nhỏ đều trông chờ vào hoạt động của quán bún, từ khi TP ra quân xử lý nghiêm tình trạng bán hàng trên vỉa hè, cuộc sống của gia đình bị đảo lộn nghiêm trọng.

“Khi được nghe thông tin TP có chủ trương cho thuê một phần vỉa hè làm nơi kinh doanh, gia đình và những hộ kinh doanh khác đều mong ngóng quyết định này sớm được triển khai để bà con yên tâm buôn bán, mưu sinh. Thế nhưng, đợi chờ mãi chẳng thấy đâu, bà con hỏi nhau thì chỉ nhận được câu trả lời, lên báo mà hỏi” – chị Nguyễn Thị Nhâm chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn TP sớm triển khai kế hoạch này vào thực tế để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Đây không chỉ là mong muốn của riêng chị Nhâm mà còn là mong muốn của rất nhiều người dân sinh kế phụ thuộc vào việc kinh doanh trên vỉa hè.

Cần những tiêu chí cụ thể

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn, chủ trương có thuê một phần vỉa hè phục vụ việc kinh doanh là cần thiết, cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, mỹ quan đô thị và nhu cầu đi lại của người dân…

Dẫn chứng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân nêu ví dụ, trên địa bàn phường hiện có 2 tuyến phố là Nhật Chiêu, Trịnh Công Sơn – nơi tập trung rất nhiều hộ kinh doanh, thu hút được lượng lớn du khách đến vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, những khu vực này chưa có điểm trông giữ phương tiện theo quy hoạch, hai tuyến phố chỉ có một bên có nhà dân… Do đó, đề xuất cho thuê vỉa hè nhằm mục đích kinh doanh là hết sức cần thiết.

“Hiện tại, Ban Chỉ đạo 197 phường Nhật Tân đang kiến nghị các đơn vị có liên quan cho thuê vỉa hè đối với phần phía nhà dân, dành riêng phần vỉa hè phía vườn hoa cho người đi bộ là hợp lý, đảm bảo nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân, nhu cầu đi lại của người dân” – Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn nhấn mạnh.

Nghiên cứu quy hoạch lòng đường, vỉa hè cho thuê thực tế để gắn với sinh kế của người dân. Ảnh: Thanh Hải
Nghiên cứu quy hoạch lòng đường, vỉa hè cho thuê thực tế để gắn với sinh kế của người dân. Ảnh: Thanh Hải

Đồng quan điểm, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ, hiện nay, UBND quận Đống Đa chưa có một thông báo nào cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý Nhà nước ở địa phương, đây là biện pháp hết sức cần thiết.

Song để đề xuất này sớm đi vào thực tế, các cơ quan chức năng cần phải lấy ý kiến của đông đảo quần chúng Nhân dân, đặc biệt với những hộ dân mặt phố để tránh phát sinh những hệ lụy.

Theo vị này, để thực hiện được, ngoài việc lấy ý kiến Nhân dân, các cơ quan chức năng cần làm rõ đối tượng, mục đích sử dụng phần vỉa hè sẽ được cho thuê, thuê để kinh doanh, hay đã thuê là được phép làm những vấn đề pháp luật không cấm… và phải đảm bảo được chức năng chính của vỉa hè là phục vụ người đi bộ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tính đến việc, không phải gia đình mặt phố nào cũng tổ chức kinh doanh, cũng có nhu cầu thuê vỉa hè… Vậy gia đình ở địa chỉ A, có được thuê vỉa hè trước cửa nhà B để tổ chức kinh doanh hay không?

Bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII nhìn nhận, “kinh tế vỉa hè” đang là một phần của ngành dịch vụ ở Hà Nội, là kế sinh nhai của không ít người dân. Do đó, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán và đoạn nào, khu vực nào không được. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.

 

Năm 2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thí điểm cho thuê một phần vỉa hè để phát triển kinh tế tại 5 tuyến đường gồm; Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông) và Lê Phụng Hiểu. Vị trí sử dụng là hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng một.