Du lịch quảng bá điểm đến
Netflix mới phát sóng bộ phim "Hành trình tình yêu” (A tourist's guide to love). Đây là dự án phim quốc tế đầu tiên được quay tại Việt Nam từ sau dịch Covid-19, cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam với bối cảnh thực.
Trong phim, người xem có thể thấy diễn viên Rachael Leigh Cook cùng nam diễn viên gốc Việt Scott Ly có những khuôn hình lãng mạn trên dòng sông Hoài nơi đô thị cổ Hội An, say đắm bên nhau trên chiếc xích lô dạo quanh phố cổ Hà Nội, lãng đãng phiêu du giữa đền tháp Mỹ Sơn hay cùng nhau mua sắm giữa khung cảnh chợ Bến Thành náo nhiệt.
Nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất chính Rachael Leigh Cook cũng cho rằng, khán giả yêu thích bộ phim vì họ được xem, tìm hiểu và trải nghiệm nền văn hóa độc đáo của Việt Nam. “Chúng tôi chỉ là cây cầu nối các nền văn hóa. Ngôi sao thực sự trong bộ phim của chúng tôi là Việt Nam và chúng tôi không thể hạnh phúc hơn khi thấy Việt Nam tỏa sáng trong phim” - Rachael Leigh Cook chia sẻ.
Trước đó, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam được khán giả trên thế giới biết tới như: “Người tình” (L'Amant, 1991), “Đông Dương” (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp; “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American, 2002). Gần đây có thể kể đến như “Kong: Đảo đầu lâu” - phim "bom tấn" của điện ảnh Hollywood.
Không chỉ những dự án quốc tế lớn, một số bộ phim hợp tác sản xuất hoặc nội địa 100% cũng có thể trở thành nhịp cầu hữu hiệu giúp quảng bá rộng rãi một Việt Nam đậm đà bản sắc, với những nét đẹp bí ẩn giàu sức mời gọi khám phá. Tiêu biểu như: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với nét đẹp thiên nhiên hoang sơ của Phú Yên; "Chuyện của Pao" gây xao xuyến bởi vùng đất cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ; "Mắt biếc", "Gái già lắm chiêu" lại mang đến nét đẹp thâm trầm, cổ kính và dịu dàng của vùng đất cố đô Huế...
Không chỉ đánh thức giấc mơ khám phá của du khách nội địa, những bộ phim này cũng gây ấn tượng mạnh với khán giả quốc tế, khi tham gia và giành giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, thâm nhập được vào các thị trường phim ảnh lớn.
Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp
Việt Nam được đánh giá là đất nước có tài nguyên du lịch phong phú với hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đủ sông, núi, rừng, biển cùng với đó là kho tàng di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực đặc sắc.
Biến phim ảnh trở thành “đại sứ du lịch” tích cực là điều mà các cấp quản lý đã nhận thức và chủ động triển khai bằng đa dạng hình thức suốt nhiều năm qua.
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Yên Nguyễn Thị Hồng Thái, từ khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu với những cảnh đẹp của núi non, sông biển, cánh đồng bao la ở các miền quê Phú Yên, lượng khách đến với tỉnh tăng đột biến, tạo cơ hội thu hút đầu tư, quảng bá du lịch.
"Chúng tôi đã trao đổi, đề nghị các đạo diễn, đoàn phim lựa chọn và quay thêm những tác phẩm điện ảnh khác có sử dụng bối cảnh tại Phú Yên. Địa phương sẽ hỗ trợ tích cực cho các đoàn làm phim khi thực hiện các cảnh quay tại đây” - bà Nguyễn Thị Hồng Thái nói.
Bên cạnh đó, TP Huế cũng xác định điện ảnh sẽ là một trong những ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương. Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải chia sẻ: "Chúng tôi có chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Huế để xây dựng phim trường lớn, ưu đãi với các nhà làm phim đến đây ghi hình, lấy bối cảnh. Trung bình một năm, chúng tôi đón khoảng 30 - 50 đoàn làm phim ở các hãng phim quốc tế đến khu di tích cố đô Huế. Tất cả đoàn phim đều được miễn phí vé vào hoàn toàn, tạo điều kiện tốt nhất để tác nghiệp".
Năm 2019, du lịch Việt Nam đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế. Đại dịch kết thúc, triển vọng lạc quan mà ngành du lịch chờ đợi vẫn chưa tới, khi theo “Báo cáo Triển vọng du lịch Việt Nam 2023” của The Outbox Company, mảng du lịch quốc tế năm 2022 của chúng ta phục hồi với tốc độ thấp hơn dự kiến, thậm chí nằm trong nhóm đứng cuối bảng xếp hạng (đạt tỷ lệ 23% so với năm 2019, trong khi tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới đạt 55%).
Outbox dự đoán, khả năng khách nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến cũng không mấy khả quan, có thể kéo dài tới hết năm 2024. Kịch bản khả dĩ nhất cho năm 2023 cũng chỉ đạt 40% so với năm 2019, tức chỉ khoảng 7,2 triệu lượt khách. Bởi thế, muốn du lịch, đặc biệt là đối tượng du khách quốc tế chuyển mình tích cực, sử dụng điện ảnh làm cầu nối là một hướng đi thật sự khả thi.
Muốn thực hiện các mục tiêu phối hợp này, không chỉ cần sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn cần tăng cường huy động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa. Quan trọng hơn, ngành du lịch và điện ảnh phải xây dựng được những kho dữ liệu về các địa điểm, danh lam, thắng cảnh, điểm đến, dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch có thể dùng làm bối cảnh quay của phim. Đồng thời đưa ra những quy trình đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn làm phim nước ngoài khi vào Việt Nam ghi hình.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chúng ta cũng cần tạo ra một môi trường phù hợp với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa bằng hệ thống các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Đó là hệ thống ưu đãi thuế, đất đai, pháp lý phù hợp cho các tổ chức nghệ thuật, không gian sáng tạo, hay các sự kiện tầm vóc khu vực và quốc tế cho các lĩnh vực như điện ảnh (có thể là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội trong bài học kinh nghiệm của Liên hoan phim quốc tế Busan), âm nhạc (Festival âm nhạc Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Hà Nội)... để xây dựng thương hiệu cho các sự kiện, nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam.