Để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “thoát ế”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội với một số thay đổi về lãi suất, thời gian ưu đãi…

Động thái này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt liên quan đến việc “ế” gói tín dụng ưu đãi này dù nhu cầu của cả người dân và DN đều rất lớn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gói tín dụng này hiện có 4 ngân hàng lớn tham gia gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, (mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng), cùng với 2 ngân hàng TMCP tư nhân là TPBank và VPBank (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2024, con số giải ngân vẫn rất khiêm tốn, ở mức 1.344 tỷ đồng.

Các nguyên nhân khiến gói này “ế” đã nhiều lần được cơ quan chức năng và những người trong cuộc là người dân, DN chỉ ra. Đó là do nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội. Tính đến nay, chỉ có 34/63 địa phương công bố danh mục. Mặt khác, một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý (vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công…) nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.

Để khắc phục tình trạng trên, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết sửa đổi gói 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội. Dự thảo đề xuất các sửa đổi nhằm tăng mức ưu đãi cho người mua nhà.

Cụ thể, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn 3% so với lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5 -2%), được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như hiện tại. Sau 5 năm, lãi suất sẽ tiếp tục ưu đãi cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu
1 - 2% thay vì để thả nổi như hiện tại. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư vẫn sẽ được giữ nguyên như hiện tại.

Đối tượng vay vốn của gói tín dụng này bao gồm pháp nhân và cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Người vay phải đáp ứng các điều kiện hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật.

Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn một lần để mua một căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn một lần theo quy định của chương trình.

Như vậy, một số vướng mắc của gói tín dụng ưu đãi này về lãi suất, thời gian cho vay… sẽ được giải quyết nếu dự thảo này được thông qua.
Tuy nhiên, những khó khăn khác liên quan đến thủ tục, điều kiện vay vốn như dự án gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, chưa đủ điều kiện giải ngân… thì vẫn phải chờ sự vào cuộc của cả 3 bên: cơ quan chức năng, chủ đầu tư và ngân hàng.

Bài toán DN cần đáp ứng chuẩn cho vay, ngân hàng lo nợ xấu, pháp lý dự án còn nhiều vướng mắc… vẫn là bài toán khó để DN, khách hàng vay vốn và ngân hàng tìm được tiếng nói chung.

Điều này cần hơn nữa sự phối hợp giữa chính bản thân DN và các cơ quan triển khai, hoàn thiện thủ tục pháp lý của dự án. Bản thân chủ đầu tư cũng phải nâng cao năng lực, bảo đảm các điều kiện của ngân hàng để chủ đầu tư và khách hàng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.