Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn nỗi lo thịt nhập khẩu

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chi hàng tỷ USD để nhập khẩu thịt không cẩn thận có thể sẽ biến Việt Nam thành quốc gia nhập siêu sản phẩm chăn nuôi và không kiểm soát được thịt nhập lậu.

Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước, đòi hỏi các cơ quan quản lý có giải pháp kiểm soát hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam chi 1,2 tỷ USD để nhập khẩu thịt, phụ phẩm động vật, chủ yếu từ Ấn Độ, Mỹ, Nga, Đức, Hàn Quốc. Không chỉ ở các TP lớn, thịt nhập khẩu được phân phối khắp cả nước với giá phổ biến 50.000 - 55.000 đồng/kg, các loại phụ phẩm từ lợn, bò và gà chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Thực tế này là thách thức không dễ hóa giải đối với ngành chăn nuôi.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc nhập khẩu lượng lớn sản phẩm chăn nuôi thải loại từ nước ngoài để làm thực phẩm không chỉ tác động đến chăn nuôi trong nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu là cần thiết để bảo vệ ngành chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Thực tế này càng đáng lo ngại khi chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 16/5 - 25/9, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô thịt nhập khẩu không đạt chất lượng; trong đó có 55 lô hàng dương tính với Salmonella trong tổng số 6.679 lô được xét nghiệm.

Cũng phải nói rằng, giá thành chăn nuôi của Việt Nam vẫn cao do phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đó chính là lý do thịt nhập khẩu không ít thời điểm lấn át thịt nội địa, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi trong nước. Như vậy, vô hình trung, Việt Nam từ nước có ưu thế về chăn nuôi sẽ khó đứng vững trong ngành nghề vốn là lợi thế.

Còn nhớ đầu năm, 4 hiệp hội (Chăn nuôi, Thức ăn chăn nuôi, Chăn nuôi gia súc lớn và Chăn nuôi gia cầm) đã có văn bản cầu cứu Thủ tướng về tình trạng khó khăn trước sản phẩm nhập khẩu gia tăng. Sản phẩm chăn nuôi ngoại lấn sân khiến sản phẩm chăn nuôi nội địa chịu áp lực cạnh tranh không công bằng; trong khi hàng nhập chính ngạch không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, các hiệp hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để kiểm soát hàng nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu nhập tràn lan.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong nước, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đã có những dự báo, tham mưu cho Chính phủ về nhu cầu thực phẩm sẽ tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán. Bộ cũng khuyến cáo hộ chăn nuôi, DN và các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bảo đảm dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất nông hộ nhỏ, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp tổng hợp và hài hòa các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm đầu vào nâng cao chất lượng đầu ra.

Cùng với đó, thúc đẩy sử dụng phế phụ phẩm của các ngành trồng trọt, chế biến thủy sản làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; đồng thời sử dụng chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón cho cây trồng, tạo nên tuần hoàn theo tiêu chí bền vững, an toàn thân thiện với môi trường.