Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để lễ hội an toàn, văn minh

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 đã bắt đầu khi hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội… rộn ràng khai hội.

Điểm nhấn đáng chú ý là năm nay, công tác tổ chức cũng như quản lý lễ hội của nhiều địa phương đã có sự thay đổi tích cực, mang đến nét văn minh, an toàn và hài lòng cho du khách thập phương về trẩy hội.

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, kéo dài 3 tháng âm lịch đầu năm. Lâu nay, nhắc đến lễ hội chùa Hương, một trong những hình ảnh phản cảm mà du khách lo ngại nhất là nạn “cò” đò đeo bám chèo kéo khách suốt từ nội thành, dọc Quốc lộ 21B tới khu vực bến đò.

Thế nhưng, mùa lễ hội năm nay, dù mới khai màn được 5 ngày, tình trạng “cò” đò gần như được giải quyết triệt để nhờ việc Ban Tổ chức thay đổi cung cách quản lý thuyền đò hoạt động dịch vụ, đưa vào Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch chùa Hương để thống nhất quản lý và điều hành. Du khách đến lễ chùa sẽ mua vé đò tại các quầy, qua cửa soát vé điện tử. Nguồn lợi từ việc chở khách được minh bạch, phân chia công bằng cho tất cả hơn 4.000 thuyền, đò…

Không riêng gì lễ hội chùa Hương, nhìn từ một số lễ hội lớn trên địa bàn
Hà Nội vừa khai hội cũng dễ dàng nhận thấy nhiều điểm mới trong công tác tổ chức. Chẳng hạn như Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa kéo dài 3 ngày; lễ hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn) tổ chức khai mạc muộn hơn một tiếng; lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) chuyển khai mạc sang buổi tối cùng chương trình bán thực cảnh có sử dụng công nghệ 3D mapping “Âm vang Mê Linh” sống động và ấn tượng…

Để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các địa phương đều đã xây dựng phương án bảo đảm lễ hội diễn ra đúng với truyền thống, tạo không khí vui tươi, an toàn cho du khách. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mùa lễ hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đặc biệt, điểm mới của công tác tổ chức lễ hội năm nay là các địa phương đã cùng ký cam kết thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VHTT&DL ban hành.

Dù vậy, thực tế trong công tác tổ chức một số lễ hội vẫn còn những “hạt sạn”. Đơn cử như tại lễ hội Gióng đền Sóc mới đây có hiện tượng cờ bạc trá hình ở trò chơi dân gian ném phi tiêu trúng thưởng. Hay tại không ít lễ hội vẫn còn tình trạng đốt vàng mã, hiện tượng rải tiền lẻ trên các ban thờ, tay tượng Phật do thói quen và tâm lý của người dự hội cần phải để “tiền giọt dầu”…

Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, hơn 1.600 lễ hội diễn ra quanh năm. Đây là một trong những nguồn lực to lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội. Để phát huy được tiềm lực này, đòi hỏi cách thức tổ chức, quản lý lễ hội phải bảo đảm văn minh, an toàn, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách... Có như vậy, các lễ hội mới thu hút được ngày càng nhiều người dân, du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Cùng với đó, việc gạn đục khơi trong, lấy cái đẹp dẹp cái xấu là cần thiết. Hiện nay, TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong xây dựng và triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử. Trong đó, quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được hướng dẫn tại Điều 6 của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Việc tuyên truyền thực hiện tốt quy tắc này cũng là giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực ngăn chặn các hành vi phản cảm, thiếu văn hóa tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.