Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để nghệ sĩ ứng xử chuẩn mực

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/2, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” nhằm tìm ra các giải pháp xây dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng.

Thách thức với nghệ sĩ

Những năm qua, nhiều nghệ sĩ lớn đã khắc sâu tên tuổi trong nền văn học, nghệ thuật, có cuộc đời, sự nghiệp và thái độ ứng xử trước công chúng luôn được đồng nghiệp, người hâm mộ tôn trọng, cảm phục, như NSND Trà Giang, NSND Thu Hiền, NSND Đặng Thái Sơn, NSND Quý Dương...
Một ví dụ điển hình khác: NSND Hoàng Dũng được khán giả yêu mến ở nhiều vai diễn, được gọi là “bố Phan Quân” (vai diễn trong phim “Người phán xử”), ông luôn ý thức để có hình ảnh, diện mạo chỉn chu, đẹp mắt trước công chúng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lại Tấn
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lại Tấn

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa, quá trình chuyển đổi mô hình xã hội và hội nhập quốc tế toàn cầu, cùng với tính “đa chiều đa diện” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, không ít nghệ sĩ đang đứng trước những thách thức trên con đường nghệ thuật để khẳng định vị thế, hình ảnh, uy tín của mình trước công chúng. Thậm chí, một số nghệ sĩ có những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử; thiếu chuẩn mực trong lối sống.

Nhiều ví dụ được các đại biểu nêu rõ và phân tích tại hội thảo, như chuyện một số ca sĩ thiếu minh bạch trong việc quyên góp làm từ thiện; tham gia quảng cáo sản phẩm sai mục đích, chức năng, gây hậu quả cho người tiêu dùng; nghệ sĩ sa vào tệ nạn xã hội; có những phát ngôn trên mạng xã hội thiếu văn hóa, xúc phạm, miệt thị đồng nghiệp và khán giả

Tại hội thảo, NSND Bùi Thanh Trầm chia sẻ: Thời gian qua, do những tác động của nhân tố chủ quan và khách quan, một số nghệ sĩ có những biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống. Sau giây phút đăng quang từ những cuộc thi nghệ thuật, sau ánh đèn sâu khấu, những lời tung hô nhất thời của người hâm mộ, một số nghệ sĩ - ca sĩ đã tự huyễn hoặc, mắc bệnh "ngôi sao”.

Khi có tiền, có tên tuổi trong làng giải trí, được nhiều công ty, đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật săn đón, một số nghệ sĩ trẻ có tâm lý ảo tưởng, cho mình là nhất, cố tạo phong cách sang chảnh, sành điệu, sa vào ăn chơi, có những biểu hiện hành vi thiếu ý thức, thậm chí là vi phạm pháp luật, tạo nên dư luận xấu trong xã hội.

Mặt khác, trong bối cảnh mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ. Với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường hay một dòng trạng thái, lời bình luận, hình ảnh đăng trên trang cá nhân, có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn, không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng.

Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ, mạng xã hội cũng đặt ra cho nghệ sĩ những áp lực, thách thức lớn. Chỉ vì “lỡ lời”, “vạ miệng”, viết những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng “dậy sóng”, tẩy chay nghệ sĩ.

Để nghệ sĩ ghi dấu ấn trong lòng khán giả

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, cho rằng: Mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lý, nhu cầu của công chúng.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt hai bộ Quy tắc ứng xử.

Với các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở T.Ư và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ; làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra.