Tờ trình của Chính phủ cho biết, cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Kết quả tổng kết cho thấy, về kinh tế - xã hội, chính sách cấp TTĐT đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch; về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp TTĐT của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sau gần 2 năm thực hiện nghị quyết, đến ngày 15/10/2018, đã cấp cho 336.932 lượt người nước ngoài TTĐT, trong đó 327.310 lượt người nước ngoài tự làm thủ tục; 9.622 lượt người nước ngoài thông qua cơ quan, DN mời, bảo lãnh đề nghị cấp.
Số lượng TTĐT được cấp tăng nhanh, từ tháng 2 đến 6/2018 đã cấp 115.349 TTĐT cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng theo Chính phủ, việc kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng TTĐT tại các cửa khẩu đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách, chưa phát sinh những vấn đề phức tạp.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là cần thiết, góp phần phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tác dụng tích cực của thí điểm cấp TTĐT là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách nước ngoài đến Việt Nam từ đầu năm đến nay gia tăng. “Việc cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam dựa trên lợi ích chung của quốc gia là tiếp tục phát triển du lịch, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế xã hội”, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) bày tỏ.
Đồng tình đây là một trong những bước để thu hút thêm bạn bè, du khách quốc tế đến Việt Nam, thể hiện sự nhanh gọn trong cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, tuy nhiên đại biểu Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) đề nghị cũng cần có tổng kết rút kinh nghiệm để đưa ra chính sách cụ thể. Đại biểu Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: Trong 28 cửa khẩu có thể nhập cảnh vào Việt Nam theo TTĐT, chỉ có một số cửa khẩu có hoạt động như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, còn một số cửa khẩu đường bộ, đường biển không nhiều. Đề nghị kiểm tra xem xét nâng cấp các thiết bị đáp ứng, nguồn nhân lực cơ sở vật chất.
Ngoài việc đơn giản hóa thủ tục cấp TTĐT, để giữ chân được du khách, các đại biểu kiến nghị cần phải hoàn thiện thêm các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần du lịch mở rộng thêm số quốc gia được cấp thị thực điện tử so với con số 46 hiện nay.
Các đại biểu cũng đề nghị không ra Nghị quyết riêng, cho kéo dài thời gian thí điểm 2 năm, tuy nhiên, Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội.