Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Hộ tịch (dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII). Đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của giấy khai sinh đối với sự ra đời của mỗi con người, các ĐBQH đã thống nhất cao đề nghị giữ quy định về cấp giấy khai sinh trong Luật Hộ tịch.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ QH cho rằng việc đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp giấy khai sinh, trong đó ghi những thông tin cơ bản của trẻ em. Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc. Do đó, Uỷ ban Thường vụ QH tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phát biểu: Theo tôi, cần giữ quy định cấp giấy khai sinh. Giấy khai sinh là căn cứ để làm các thủ tục tiếp theo, và văn bản pháp lý đầu tiên do Nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận về mặt pháp lý sự ra đời của công dân, là căn cứ cho việc cấp văn bản giấy tờ khác trong quản lý Nhà nước. Giấy khai sinh cũng đồng thời cũng là các dữ kiện cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi như quy định tại Dự thảo luật Căn cước công dân.

Dẫn chứng quy định của Hiến Pháp: “Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh”, ĐB  Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng chung quan điểm không thể bỏ giấy khai sinh.  ĐB còn dẫn ra quy định của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia để cho thấy việc cấp giấy khai sinh là phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

ĐB Tính nhấn mạnh: Theo luật hiện hành, khi đăng ký khai sinh, trẻ em được cấp giấy đăng ký khai sinh. Trong khi đó, theo Luật dự thảo Luật Căn cước công dân, sau khi đăng ký khai sinh, UBND cấp xã chuyển thông tin đến cơ quan quản lý, nhưng cũng chưa rõ là chuyển đến cơ quan nào. Quy định như vậy sẽ dẫn đến làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, tăng khối lượng công việc cho cơ quan Nhà nước, gây phiền hà cho người dân. Vì vậy, ĐB đề nghị cần giữ quy định cấp giấy khai sinh.