Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để người dân quay lại với xe buýt

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành dự thảo (lần 2) quy định về tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay sau đó, Sở GTVT Hà Nội cũng xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đây là những quy định cần thiết nằm trong kế hoạch nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng bước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn.

Điều được người dân ghi nhận là Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội đều khá lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân, các DN, các hiệp hội. So với dự thảo lần 1, dự thảo lần này của Bộ GTVT không quy định về tiêm vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2 với hành khách. Đây là sự tiến bộ tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông và giúp cho chủ phương tiện giảm bớt các thủ tục phải làm công việc ngoài chuyên môn được đào tạo.

Nếu như dự thảo của Bộ quy định lái xe và nhân viên phục vụ trên xe được xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/lần. Đồng thời, lái xe, nhân viên trên xe phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Đã tiêm đủ liều vaccine, đủ thời gian theo quy định; người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện; có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Trong đó, Sở GTVT Hà Nội có thêm quy định là lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Trong bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT Hà Nội đưa ra các tiêu chí về "thẻ xanh Covid" và "thẻ vàng Covid". "Thẻ xanh Covid" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm mũi vaccine thứ hai được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm một mũi vaccine được 14 ngày và không quá 12 tháng (đối với các loại vaccine chỉ cần tiêm một mũi như vaccine Janssen của Johnson & Johnson); người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

Đối với "thẻ vàng Covid", Sở GTVT Hà Nội cũng nêu rõ thẻ được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng các điều kiện là đã tiêm một mũi vaccine được 14 ngày (đối với loại vaccine có yêu cầu 2 mũi). Đối với các cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (sổ sức khỏe điện tử) có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan như: Giấy chứng nhận tiêm chủng bảo đảm điều kiện của thẻ xanh/thẻ vàng.

Với những quy định như thế thì câu hỏi được đặt ra: Liệu có người dân nào chịu bỏ xấp xỉ 200.000 đồng chi phí test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR (730.000 đồng) chỉ để phục vụ vài lần đi xe buýt? Thời gian xe buýt dừng ở mỗi điểm đón, trả khách khá ngắn như hiện nay thì phụ xe sẽ tiến hành chức năng kiểm tra, giám sát khách lên xe như thế nào? Đơn giản nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc DN làm thế nào để kiếm hàng trăm triệu đồng xét nghiệm cho lái, phụ xe cũng là một câu hỏi khó.