Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để nông sản Việt vươn xa

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ 20% nông sản Việt đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế là con số đáng suy ngẫm, đòi hỏi giải pháp trước mắt và lâu dài, nhất là khi Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, với nhiều mặt hàng ở vị thế tốp đầu thế giới.

Tại diễn đàn "Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch cho kênh bán sỉ" mới đây, con số chỉ 20% nông sản Việt đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế được các chuyên gia đề cập lại một lần nữa đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý ngành nông nghiệp.

Có một thực tế không thể phủ nhận, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, chè đứng tốp đầu thế giới, song nông sản mang thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới vẫn chưa phổ biến. Hay nói cách khác, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tốt về số lượng nhưng chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Căn nguyên của bài toán này là phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún đang là rào cản dẫn đến chất lượng nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Thêm nữa, quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhất định như vấn đề về chi phí xây dựng tiêu chuẩn, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, kiểm nghiệm, giám định và công tác quản lý…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã từng thẳng thắn nhận định, 3 trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng.

Trong đó, thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh. Đơn cử như, để nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững sang EU, thì phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của thị trường này (an toàn thực phẩm, môi trường, lao động). Với các thị trường khác cũng vậy, nhà sản xuất phải coi trọng, hiểu rõ và tuân thủ những quy định của hiệp định thương mại.

Như vậy, vấn đề trọng tâm là phải nâng cao chất lượng nông sản gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trên tinh thần này, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch, định hướng cây trồng, vật nuôi có thế mạnh xuất khẩu.

Đồng thời quan tâm đến tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất. Cùng với đó, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chỉ tiêu chất lượng, chứng chỉ mềm như: Chỉ số carbon, bảo vệ môi trường, lực lượng lao động không có lao động trẻ em, tỷ lệ lao động phụ nữ… để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Đối với các DN xuất khẩu cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương, hợp tác xã, nông dân để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản. Mặt khác, chủ động các biện pháp xây dựng, bảo vệ thương hiệu, mã số vùng trồng; kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu khi phát hiện những vi phạm thương mại, xâm phạm thương hiệu.

Với nông dân cần tập trung đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm trong sản xuất và bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu. Chỉ có như vậy, nông sản mới đạt giá trị gia tăng cao, nông dân bảo đảm thu nhập ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế đất nước.