Để quỹ cha mẹ học sinh thực sự là tự nguyện

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngay sau khai giảng năm học mới, hội nhóm zalo, facebook của nhiều lớp, nhiều trường đã rôm rả bàn bạc, thống nhất việc bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội/Ban phụ huynh). Và năm nào cũng vậy, việc đầu tiên Ban thực hiện là thu quỹ lớp.

Lặng người khi nghe thông báo quỹ lớp

Làm công chức với lương hơn 7 triệu/tháng và không làm thêm, chị Nguyễn Thu Hà (trú tại quận Hà Đông)- bà mẹ có hai con học tiểu học luôn có cảm giác nặng nề, áp lực khi con bước vào năm học mới. Điều chị bận tâm nhất, đó là các khoản phí sắp tới phải đóng, trước mắt là tiền quỹ lớp.

Học sinh cả nước đã bước vào năm học mới- năm học 2022- 2023 (Ảnh minh họa)
Học sinh cả nước đã bước vào năm học mới- năm học 2022- 2023 (Ảnh minh họa)

Nếu như mọi năm, phụ huynh sẽ chờ đến cuộc họp phụ huynh, phần 1 là giáo viên chủ nhiệm thông tin về nội dung, kế hoạch, chương trình năm học và phần 2, Ban phụ huynh (BPH) cũ sẽ điều hành các nội dung liên quan đến việc thành lập BPH mới, lúc này mới thống nhất quỹ lớp. Nhưng năm nay, phụ huynh lớp con chị đã bầu chọn, thành lập BPH trước khai giảng để lo các phần việc ngay từ đầu năm học;  tất nhiên, việc thu quỹ lớp diễn ra rất nhanh chóng.

Thường thì BPH mới, hạt nhân vẫn là những thành viên của BPH cũ; đó là những người thực sự tâm huyết, nhiệt tình, thông thạo về những hoạt động của trường, của lớp, nhanh nhẹn hoặc chủ động được về thời gian… Do có nhiều kinh nghiệm nên việc tính toán, lên dự trù kinh phí cho các hoạt động của lớp được BPH dự trù từ trước và mức này sẽ được đưa ra tại cuộc họp để xin ý kiến, thống nhất.

“Năm nay, các con là học sinh cuối cấp và có rất nhiều hoạt động, giá cả lại lạm phát nhiều nên tôi đề xuất mức 700.000 đồng/kỳ”- đại diện BPH lớp con chị Hà đưa ra. Gần 100% phụ huynh trong lớp đã đồng ý với mức này. Số tài khoản của một đại diện BPH nhanh chóng được gửi lên nhóm zalo, liền sau đó là các tin nhắn liên tục báo lên về việc chuyển khoản thành công.

Chị Hà lưỡng lự: “Con tôi học trường công, các khoản theo quy định của nhà trường sau đóng thế nào thì bố mẹ sẽ đóng hết. Vậy mà quỹ lớp đóng tận 700.000 đồng/kỳ, trong khi lớp có hơn 50 bạn. Tôi cũng băn khoăn các hoạt động, chi phí như thế nào mà mức quỹ cao vậy? Nhìn danh sách gửi lên nhóm thì chỉ còn lác đác vài người chưa chuyển khoản, trong đó có tôi. Điều đó có nghĩa là cả lớp đều thống nhất với khoản thu này và tự nguyện nộp quỹ. Nhưng tôi tin, số phụ huynh cảm giác xót ruột như tôi chiếm ít nhất 1/3”.

Không hài lòng về trường công quá đông học sinh/lớp nên chị Lê Thị Thu Hạnh, trú tại quận Hoàng Mai quyết định chuyển hướng cho con học trường tư thục khi con lên cấp THCS. Khác với trường công, trường tư của con chị thu học phí và các khoản từ rất sớm. Chị Hạnh chọn giải pháp là đóng một cục cả năm với số tiền gần 100 triệu để “không phải lo nghĩ gì về tiền học của con nữa”. Vậy mà, chưa kịp định thần khi tài khoản từ hơn 100 triệu đồng, nay chỉ còn hơn 1 triệu đồng, chị đã nhận được tin nhắn zalo của phụ huynh lớp con về việc đóng quỹ lớp với mức 2 triệu đồng/kỳ.

“Tôi lặng người khi nghe thông báo quỹ lớp. Các loại tiền học, tiền ăn, tiền bán trú, dã ngoại… đã đóng hết, không hiểu sao quỹ lớp vẫn cao. Vậy nhưng đa số phụ huynh đều đồng ý với mức Ban phụ huynh đưa ra và rào rào chuyển khoản”- chị Hạnh kể.

Quỹ chung “không ai khóc”?

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của CMHS và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện CMHS lớp. Trưởng ban Ban đại diện CMHS lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện CMHS lớp thống nhất ý kiến. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện CMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể CMHS lớp…. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các CMHS...”.

Sau khai giảng, nhiều phụ huynh đau đầu với các khoản phí, trong đó có quỹ lớp (Ảnh minh họa)
Sau khai giảng, nhiều phụ huynh đau đầu với các khoản phí, trong đó có quỹ lớp (Ảnh minh họa)

Như vậy, tinh thần Thông tư 55 có hai điểm nổi bật, đó là quỹ lớp là sự ủng hộ tự nguyện và không quy định mức ủng hộ bình quân. Nhưng thực tế, mức đóng cố định luôn được BPH thống nhất đưa ra. Đại diện BPH sẽ thu tiền quỹ và tiền này phục vụ hoạt động của các con trong kỳ học/năm học.

 “Cuối cùng thì số tiền đóng quỹ lớp là do BPH đề xuất và chi tiêu thế nào cũng do BPH quyết định. Tôi thấy, thỉnh thoảng BPH có đưa thông tin về hạch toán thu chi của lớp qua bảng biểu trên nhóm nhưng khả năng rất ít phụ huynh mở ra đọc hoặc đọc hết. Quan điểm của phụ huynh đều là đóng cho hoàn thành nghĩa vụ, còn chi thế nào thì tùy vào BPH”- chị Hoang Minh Châu, trú tại huyện Thanh Oai chia sẻ.

Cần nói rõ là sau khi thu quỹ, tiền quỹ lớp sẽ chi vào rất nhiều dịp và hoạt động của lớp như: 20/11, 20/10, 8/3, Trung thu, Noel, Tết, hội chợ, dã ngoại, tập văn nghệ…, vì thế tiền quỹ chi tiêu vèo vèo và số tiền đóng đầu năm chỉ là “tạm thu”, nhiều lớp phải đóng thêm để lấy chi phí hoạt động.

“Quỹ lớp rất cần thiết nhưng theo tôi nên điều chỉnh lại về khoản thu, khoản chi vì tôi thấy đôi khi quỹ chi hơi màu mè, hình thức mà không chú trọng vào nội dung. Ví như mâm ngũ quả bày trung thu, đồ trang trí lớp dịp Tết… có khi lên vài triệu đồng trong khi quà tặng cho các con lại chỉ hai, ba chục nghìn. Ngay như việc mua đồ tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp, mua đồ ăn nhẹ cho đội văn nghệ, đồ ăn đi dã ngoại…, BPH ít khi tính toán kỹ nên mua nhiều, đồ ăn đồ uống thừa thãi ê hề gây lãng phí, có khi phải “nài” lớp bên cạnh dùng hộ hoặc học sinh lấy để ném nhau. Tiền nào cũng là tiền mồ hôi nước mắt, tránh tình trạng “quỹ chung không ai khóc”, BPH cần chặt chẽ, khoa học hơn trong chi tiêu”- là ý kiến của chị Nguyễn Hải Yến, trú tại quận Hà Đông.

Có kinh nghiệm làm trong BPH và là người cầm quỹ lớp nhiều năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Quỹ phụ huynh hiện rất công khai, minh bạch, chi hoàn toàn vào các hoạt động của học sinh. Tuy nhiên, vì ai cũng quá bận rộn nên đôi khi trong các sự kiện cần mua sắm đồ thì khâu chọn lựa và bố trí thời gian mua đồ hay gấp gáp dẫn đến bị mua với giá cao. Ví như năm trước, lớp tôi đặt quà tặng cho các bạn trong lớp là balo nhỏ, nguồn hàng tận Quảng Châu, lại đặt gấp nên giá bị đội lên do chi phí vận chuyển. Có những món đồ tự đi mua sẽ rẻ nhưng vì không trực tiếp mua được mà phải đặt ship nên giá cũng cao hơn”.

Từng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vai trò của BPH và thu chi quỹ lớp. Rõ ràng, việc thành Ban đại diện CMHS là cần thiết và Ban làm được rất nhiều việc cho học sinh, góp phần gắn kết các thành viên trong lớp với nhau. Tuy nhiên, triển khai thu/chi quỹ thế nào cho hợp lý, đúng theo tinh thần Thông tư 55 vẫn là chuyện cần được lưu ý, định hướng với vai trò của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường để tạo sự thống nhất, tự nguyện thực sự của tất cả phụ huynh.