Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để tham nhũng vặt không còn đất sống

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri ở các địa phương trong cả nước.

Ở các cuộc tiếp xúc, cử tri đều bày tỏ sự phấn khởi trước kết quả của Kỳ họp, đánh giá đây là kỳ họp để lại dấu ấn với hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới và thống nhất rất cao, đặc biệt là với sự kiện quan trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ cương vị Chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối.
Một nội dung được đề cập nhiều tại các cuộc tiếp xúc, đó là cử tri bày tỏ sự hoan nghênh những kết quả đã đạt được và mong muốn Đảng, Nhà nước thực hiện quyết liệt hơn công cuộc phòng, chống tham nhũng. Cùng với các vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, cử tri cũng đề nghị cần quan tâm đến tệ “tham nhũng vặt” mà tác hại của nó cũng không kém phần nghiêm trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội) đã khẳng định tệ tham nhũng vặt không phải chuyện nhỏ. Bên cạnh các vụ án lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải tập trung chống tham nhũng vặt vì "nó như ghẻ ruồi rất khó chịu". Tổng hợp kiến nghị cử tri tại kỳ họp vừa qua cũng cho thấy cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Về tệ nạn này, cử tri TP Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay có hai loại là tham nhũng vặt và tham nhũng lớn. Hậu quả nghiêm trọng của các vụ tham nhũng lớn do cấu kết một nhóm lợi ích thì đã quá rõ, nhưng tham nhũng vặt cũng đang gây phiền hà rất lớn cho cuộc sống của người dân. Đối với cả hai loại tham nhũng kể trên, cử tri đều yêu cầu cần xử lý nghiêm. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê khi tiếp xúc với cử tri cũng đánh giá: Từ các tham nhũng vặt tích lũy dần dần, ăn vặt quen thì thành ăn lớn, thành tham nhũng lớn. Đây cũng sẽ là vấn đề nổi cộm mà Quốc hội sẽ quan tâm tại các kỳ họp tới.

Có thể nói, tệ tham nhũng vặt không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, hoạt động của các DN, tổ chức… mà nó còn làm băng hoại đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, gây mất lòng tin vào chế độ.

Tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng đã có sự vào cuộc của cả hệ thống, không ai có thể một mình mà làm được. Như vậy cũng có thể hiểu đây cũng là công việc không của riêng ai, là công việc đòi hỏi sự tham gia, đóng góp, ủng hộ của mọi tầng lớp người dân. Như vậy cũng có nghĩa là bên cạnh những kiến nghị, mong muốn Đảng, Nhà nước có những biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn với nạn tham nhũng nói chung và tệ tham nhũng vặt nói riêng, người dân, cử tri không thể đứng ngoài cuộc mà cần chủ động hơn nữa để tham gia vào cuộc đấu tranh này. Cùng với việc giám sát, tố cáo, lên án các hành vi tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt dễ nhận biết nơi này, nơi khác, mỗi người chúng ta cần kiên quyết nói không với tham nhũng vặt. Nói cách khác là không tiếp tay, không tạo điều kiện cho tệ nạn này tồn tại. Để làm được điều này, trước hết người dân cần được trang bị những hiểu biết về pháp luật, nắm được quyền và trách nhiệm của mình, sống và làm việc với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nói vậy, nhưng ai cũng biết là làm điều này không dễ. Bởi lâu nay, tệ tham nhũng vặt dường như đã ăn sâu vào cuộc sống, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận xét: "Đến cửa nào cũng phải tiền, không có tiền không trôi. Bôi trơn mà! Xin giấy tờ học hành cho con, cho cháu, chuyển chỗ nọ chỗ kia, thích thì cấp cho ngay hoặc có phong bì sẽ được nhanh, không có thì ông ấy cứ ngâm đấy, khó chịu lắm và hư hỏng cán bộ".

Phải chăng cũng bởi vậy trong mỗi người có thể đã tồn tại một tâm lý chấp nhận, dễ dàng cho qua để được việc. Giờ đây là lúc cần phải chấm dứt tâm lý đó, không thể tặc lưỡi mà tiếp tay cho những hành vi tham nhũng vặt ấy. Nói không với tham nhũng vặt cũng là đã tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, để tham nhũng vặt không còn đất sống. Cũng như muốn diệt bệnh ghẻ ruồi thì phải giữ vệ sinh cho thân thể sạch sẽ, để căn bệnh khó chịu này không còn chỗ sinh sôi!