Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Đừng đốt cháy giai đoạn

v
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nên đưa hộ kinh doanh vào chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không, giữ nguyên quy định như hiện nay hay cần xây dựng một luật riêng cho nhóm đối tượng này? Đây là vấn đề liên tục làm “nóng” diễn đàn Quốc hội trong các phiên thảo luật về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 Ảnh minh họa. Nguồn: Quỳnh Trần.
Quan điểm không đồng tình thì cho rằng, hộ kinh doanh có đặc thù khác doanh nghiệp (DN), đặc biệt, hộ kinh doanh tại nước ta cũng “không giống nước nào cả”. Quan điểm đồng tình lại lý giải, việc luật hóa sẽ có lợi cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế. Hộ kinh doanh sẽ có tư cách pháp nhân, có cơ sở để vay vốn ngân hàng và mở rộng đối tác kinh doanh… Đặc biệt là sẽ khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến đề xuất nên có luật riêng, vì hộ kinh doanh đang đóng góp 30% GDP, đóng thuế cũng nhiều, đặc biệt là thu hút lực lượng lao động lớn. Vì vậy, khi có luật riêng chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển tốt.
Luật DN (sửa đổi) đặt mục tiêu giúp DN gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài; thúc đẩy quản trị DN tốt, bảo vệ nhà đầu tư khi đầu tư vào DN. Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang mô hình DN cũng không phải là mới. Mỗi quan điểm đưa ra đều cho thấy những khía cạnh riêng. Nhưng các chuyên gia và chính các ĐB Quốc hội đặt vấn đề, tại sao nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành DN? Đặc biệt là các hộ kinh doanh tạp hóa, hàng tiêu dùng, ăn uống, giải trí, vật liệu xây dựng…, với thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi nhỏ, số lượng lao động ít và làm theo ca, đa số tâm lý không muốn “bị đưa” lên thành DN. Rào cản lớn nhất là do họ kinh doanh nhỏ nên ngại phải thực hiện các vấn đề liên quan đến sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính… Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành DN, còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh…
“Không nên cưỡng ép đưa vào luật. Nếu không đưa hộ kinh doanh vào luật thì cũng không gây ách tắc, cản trở đến hộ kinh doanh, các đối tượng này vẫn làm ăn, nộp thuế bình thường” là quan điểm được nhiều người đồng tình. Bởi khi các hộ kinh doanh thấy và hiểu rõ được lợi ích tự thân của việc trở thành DN, họ sẽ phấn đấu trở thành DN, chịu sự điều chỉnh của luật. Còn nếu khiên cưỡng, sẽ "đốt cháy giai đoạn" khi bản chất họ chưa phải là DN mà là mô hình kinh doanh đặc thù. Làm như vậy sẽ gây hiểu lầm, thêm thủ tục, khó khăn hơn cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số lượng đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn nên việc có đưa vào Luật Doanh nghiệp hay làm một luật riêng cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và đặc biệt, phải cho hộ kinh doanh thấy được rõ ràng nhất họ được lợi gì khi thành DN. Đồng thời, tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất để điều chỉnh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.