Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm và mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.
Dự luật bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động đối với người lao động có việc làm và người thất nghiệp; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng như quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm nhằm chuyên nghiệp hóa các hoạt động này; quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp...
Dự luật cũng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Một điểm mới đáng chú ý trong Dự luật là việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt hơn. Người lao động và người sử dụng lao động sẽ đóng tối đa bằng 1% tiền lương/quỹ tiền lương. Dự Luật cũng mở rộng đối tượng được hỗ trợ, bao gồm các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do các yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn hoặc dịch bệnh.
Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật, do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh và làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng vay vốn là người đã chấp hành xong hình phạt tù trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.
Đối với các quy định về bảo hiểm thất nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu nội dung dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Đây là công cụ để thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội”.
Luật Việc làm (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng, lưu ý việc, Dự thảo Luật có tới hơn 120 điều so với 61 điều trong luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lược bớt những quy định thuộc về nghị định, thông tư, bảo đảm Dự thảo Luật gọn, rõ; tiếp tục rà soát nội dung dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần rà soát bảo đảm tính bao quát, khả thi đối với quy định về phạm vi sửa đổi và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật; bảo đảm tính liên thông của thông tin đăng ký lao động, thông tin thị trường lao động và các thông tin khác có liên quan; nghiên cứu, tổng kết, đánh giá mô hình, tổ chức, nhiệm vụ hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm…