Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với mức hưởng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, trong đó có đề xuất 3 phương án tăng mức đóng BHYT mới.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Hoài Đức. Ảnh: Minh Châu
Thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Hoài Đức. Ảnh: Minh Châu

Lộ trình nâng mức đóng này theo hướng tăng tỷ lệ đóng từ năm 2025 để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035.

Việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp khả năng chi trả của quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Điều chỉnh mức đóng, cân đối quỹ BHYT

Theo đánh giá của Bộ Y tế, đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt được nhiều thành công, với hơn 93% người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên vẫn còn gần 7% người dân chưa tham gia BHYT, phần lớn theo diện tự đóng BHYT hộ gia đình, các đối tượng làm nông nghiệp, chủ hộ tự kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh...

Vì vậy, ở lần sửa đổi này ban soạn thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp để tăng tỷ lệ bao phủ của các đối tượng trong nhóm gần 7% này. Mặt khác, theo Bộ Y tế, quy định mức đóng chưa cân đối với mức hưởng và phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Luật hiện hành quy định mức đóng tối đa lên đến 6% nhưng chưa có cơ chế và lộ trình để Chính phủ có căn cứ tăng mức đóng trong khi nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả của quỹ ngày càng cao và mức đóng, mệnh giá trung bình của thẻ BHYT của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách "Thông tuyến" (bao gồm cả định tính và định lượng, tác động tích cực và tiêu cực) đến các cơ sở y tế của từng cấp, đến người tham gia BHYT, đến quỹ BHYT; từ đó có phương án đề xuất phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm thực chất về chất lượng KCB BHYT; nghiên cứu thêm các phương thức thanh toán BHYT phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội mới.
Đại diện BHXH Việt Nam

Từ thực tế trên, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án nâng dần mức đóng phù hợp phạm vi quyền lợi BHYT và nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người tham gia. Trong đó, phương án một, giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện nay nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào luật sửa đổi. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng tính đóng BHXH của người lao động (NLĐ), trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của NLĐ. Theo Bộ Y tế, phương án này giúp tăng nguồn quỹ BHYT, cơ sở y tế có thêm kinh phí, tăng quyền lợi khám chữa bệnh lẫn tiếp cận dịch vụ của người dân cũng như hiệu quả điều trị.

Song lộ trình này cũng làm tăng chi ngân sách Nhà nước, DN, hộ gia đình và NLĐ. Theo thống kê của BHXH Việt Nam năm 2021, với mức đóng hiện bằng 4,5% lương cơ sở thì ngân sách đang chi gần 42.300 tỷ đồng. Tăng mức đóng lên 5,1%, ngân sách Nhà nước chi thêm 5.700 tỷ đồng mỗi năm và gần 14.100 tỷ đồng nếu mức đóng BHYT tăng lên 6%. Với DN, tiền đóng BHYT năm 2021 đạt 29.200 tỷ đồng. Nếu tăng mức đóng lên 5,1% lương tháng của NLĐ thì DN đóng bổ sung gần 3.900 tỷ đồng và tăng hơn 9.730 tỷ đồng nếu mức đóng là 6%.

Phương án hai, mức đóng tối đa được giữ nguyên 6% như luật hiện hành song lộ trình nâng với tỷ lệ cao hơn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025 mức đóng tăng lên 5,4% lương tháng của NLĐ, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy vào nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6%. Tương tự như phương án đầu, lộ trình này cũng làm tăng chi phí của ngân sách Nhà nước, DN, NLĐ lẫn hộ gia đình. Cụ thể, nếu mức đóng tăng lên 5,4% vào năm 2025 thì ngân sách Nhà nước chi bổ sung gần 8.500 tỷ đồng; DN chi thêm hơn 5.840 tỷ đồng; NLĐ tăng chi 2.920 tỷ đồng và hộ gia đình thêm gần 4.870 tỷ đồng.

Phương án ba giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Phương án này không làm tăng chi phí của xã hội song rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do luật không quy định. Các cơ sở y tế đối mặt với gánh nặng chi phí trong bối cảnh người KCB BHYT tăng, quỹ BHYT có thể mất cân đối thu chi.

Lựa chọn giải pháp khả thi, phù hợp

Hiện, mức đóng BHYT theo Luật BHYT năm 2008 quy định tối đa vẫn là 6% tiền lương tháng, nhưng thực tế áp dụng theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, với mức đóng BHYT chỉ bằng 4,5% tiền lương tháng. Trong khu vực DN, NLĐ đóng BHYT bằng 1,5% lương tháng, người sử dụng lao động đóng 3%; BHYT hộ gia đình, học sinh, sinh viên… bằng 4,5% lương cơ sở (riêng BHYT gia đình tính đóng giảm dần cho những người tham gia tiếp theo). Sau khi đánh giá lợi và hại, Bộ Y tế lựa chọn phương án ba vì không gây tăng chi từ ngân sách Nhà nước, DN lẫn hỗ trợ thân nhân người lao động. Lộ trình tăng như hai phương án đầu sẽ được cân nhắc trong lần sửa đổi tổng thể Luật BHYT sau này khi đủ điều kiện kinh tế - xã hội và thời gian nghiên cứu.

Đề xuất nâng mức đóng BHYT để đảm bảo quyền lợi người tham gia. Ảnh: Hải Linh
Đề xuất nâng mức đóng BHYT để đảm bảo quyền lợi người tham gia. Ảnh: Hải Linh

Liên quan đến đề xuất hỗ trợ thân nhân NLĐ tham gia BHYT, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho rằng, dù đây là chính sách nhân văn nhưng thời điểm chưa phù hợp. Vì vậy, Bộ Y tế đã không đề xuất phương án này trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHYT sửa đổi.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, sau khi thực hiện đánh giá tác động đối với các đối tượng chịu sự tác động của các bên liên quan trên cơ sở cân nhắc giữa ưu điểm và khó khăn, Bộ Y tế đã đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại điều 12 Luật BHYT để phù hợp với thực tiễn thực hiện luật.

Thực hiện BHYT bổ sung đối với những người đã tham gia BHYT bắt buộc nhưng tự nguyện tham gia BHYT bổ sung để thêm gói quyền lợi. Nội dung này được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và chia sẻ rủi ro. Điều này sẽ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và không tác động đến hoạt động của DN sau giai đoạn khó khăn của đại dịch.

Đề cập đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo BHXH Hà Nội cho hay, thực tế hiện nay, quỹ BHYT đang thu ở mức rất thấp, trong khi quyền lợi được hưởng rất cao, không có giới hạn. Để mức thu thấp như thế này, việc cân đối quỹ hàng năm rất khó khăn. Trong khi quyền lợi của người lao động cũng sẽ không được mở rộng thêm. Trong xu hướng sửa đổi luật hiện nay, nhiều quyền lợi được mở rộng nên BHXH Hà Nội đề nghị Nhà nước xem xét, cân đối làm thế nào để mức đóng phù hợp với mức hưởng.

 

Tại dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường... Đề xuất này dựa trên nghiên cứu về kinh tế y tế, chi phí hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã làm và thấy hiệu quả. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch...
Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang