Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất sửa đổi 5 Luật thuế: Bộc lộ sự thiếu ổn định

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/9, các chuyên gia và DN cho rằng, sự thiếu thống nhất khi xây dựng các Luật thuế, nhiều sửa đổi đưa ra rồi lại đưa vào liên tục, đã khiến người dân và DN thêm nặng gánh.

Bên cạnh đó, cần có báo cáo đánh giá tác động đối với người tiêu dùng và từng nhóm ảnh hưởng khác nhau khi xây dựng Dự thảo.
Nhiều sửa đổi đưa ra rồi lại đưa vào
Góp ý về Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế do Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến, chuyên gia về thuế hải quan Đặng Thị Bình An cho hay, tính thống nhất giữa các cơ quan cũng như trong chính Bộ Tài chính khi xem xét các luật thuế vẫn rất hạn chế. Từ năm 2008 - 2013, Bộ Tài chính sửa một lần, đến năm 2014 sửa một lần. “Rất nhiều nội dung lúc đưa ra, lúc đưa vào không mang tính ổn định. Ví dụ các quy định thuế tiêu thụ đặc biệt với phân bón. Sự thiếu ổn định trong chính sách thuế khiến DN gặp nhiều rủi ro khi đầu tư dài hạn” - bà An đánh giá. Ngoài ra, bà An cũng cho rằng, cần cân đối thống nhất với các luật khác. Sửa 5 luật nhưng có những nội dung liên quan đến các luật khác không đưa vào dự thảo.

Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, nhiều loại thuế quan trọng như thuế xuất nhập khẩu… chưa được đưa vào trong Dự thảo. Việc sửa đổi các chính sách thuế thời gian qua vẫn mang tính chất bóc tách từng phần, chỉ để phục vụ mục tiêu của từng cơ quan quản lý chứ không có sự thống nhất. Cuối cùng, gánh nặng lại đặt lên vai người dân và DN. “Lần này sửa 5 luật, liệu vài năm nữa có sửa thêm 5 luật thuế khác nữa không? Chính sách ở lĩnh vực này sửa thì lĩnh vực khác lại phải sửa theo cho phù hợp - liệu còn bao nhiêu lần sửa đổi nữa?” - bà Lan đặt câu hỏi.
Cho ý kiến về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12% trong Dự thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thuế GTGT không phân biệt ai, người có thu nhập cao hay thấp nhất mà là tất cả người tiêu dùng. Ông Hùng cho rằng, thuế GTGT có tính chất kinh tế - xã hội. Việc cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đưa ra so sánh với các nước phải trên cơ sở cùng mẫu số như thu nhập bình quân đầu người hay tỷ lệ thu từ thuế GTGT chiếm bao nhiêu thu ngân sách chứ không thể so sánh theo kiểu có lợi cho đề xuất của mình như vậy được. Do đó, ông Hùng cho rằng cần có báo cáo tác động của dự thảo đối với người tiêu dùng và cân nhắc kỹ việc tăng thuế suất thuế GTGT. Khi mức thu nhập của người dân được cải thiện mới đặt vấn đề tăng loại thuế này.
Đừng để “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Theo nhiều DN và giới chuyên gia, đến nay kết quả của bản đánh giá tác động của Dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế vẫn chưa được công bố. “Sửa đổi các luật thuế tăng thu ngân sách bao nhiêu, có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh. Việc điều chỉnh tác động đến người dân, DN, nền kinh tế ra sao, có phù hợp với chiến lược phát triển các ngành không, việc khuyến khích phát triển ngành nọ, không phát triển ngành kia có được phản ánh trong điều chỉnh thuế hay không. Tất cả các yếu tố này đến nay đều chưa thấy” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi. Cũng theo bà Lan, báo cáo đánh giá này cần được thực hiện bởi một cơ quan đánh giá độc lập chứ không phải là Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo ra dự thảo Luật này.

“Trên góc độ về thuế, hiện tại có rất nhiều các quy định về chi phí lãi vay không được trừ rất chồng chéo. Việc này sẽ dẫn tới trường hợp các DN vi phạm hai trong ba quy định sẽ gặp khó khăn xác định chi phí không được trừ. Trên góc độ kinh tế, hình thức sử dụng vốn vay là một trong các phương pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu, từ đó sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Vì thế, tạm thời chưa bổ sung quy định về vốn mỏng vào Dự thảo Luật lần này”.

Nguyễn Thu Trang - Công ty Ernst & Young Việt Nam


“Dự án luật có tác động, phạm vi ảnh hưởng lớn nên Bộ Tài chính phải đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, thống nhất, giúp hoàn thiện dự án luật một cách tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và DN. Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến trực tiếp góp ý và ý kiến nêu thêm để hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ”.

Ông Trương Bá Tuấn

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính)


Hiện nay, thuế suất thuế GTGT của Việt Nam so với một số nước có thể thấp nhưng kết cấu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách so với một số nước lại cao. Vì thế, Bộ Tài chính cần nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội ban hành các luật thuế mới nhằm điều tiết nguồn thu nhập từ các nguồn thu nhập khác phát sinh phù hợp với nền kinh tế thị trường nhằm tăng thu ngân sách, thay đổi kết cấu thu ngân sách một cách hợp lý.

Đặng Thị Bình An Chuyên gia cao cấp về thuế và hải quan


“Một trong những nguyên nhân quan trọng Bộ Tài chính đưa ra để giải thích cho đề xuất tăng thuế với xe ô tô bán tải là để tránh việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam; hạn chế tình trạng xe bán tải được sử dụng làm phương tiện cá nhân, ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp ô tô trong nước. Chúng tôi không rõ Bộ Tài chính lấy số liệu đó từ đâu. Với riêng thống kê tại Ford, hơn 70% số xe bán ra tại Việt Nam được khách hàng sử dụng vừa chở người, vừa chở hàng”.

Đại diện Ford Việt Nam