Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tăng tiền trợ cấp xã hội cho người cao tuổi lên 750.000 đồng?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH sẽ đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, trong đó có người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng.

Hiện nay cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 5,4 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, 15 triệu người có thẻ BHYT.

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nêu rõ: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng.

Bộ LĐTB&XH sẽ đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng. Ảnh minh họa: Internet.
Bộ LĐTB&XH sẽ đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng. Ảnh minh họa: Internet.

Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định dưới đây, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:

- Người cao tuổi thuộc diện nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

- Người đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Theo Bộ LĐTB&XH và Hội Người cao tuổi Việt Nam, chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, ở mức thấp. Tỉ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo là 3,6%, hộ cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung cả nước. Một số địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho người cao tuổi và chưa quan tâm, bố trí khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho người cao tuổi.

Thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cùng với tăng lương hưu, trợ cấp BHXH; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ LĐTB&XH đề xuất nâng chuẩn trợ cấp xã hội 38,9%, từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTB&XH, ngày 15/2/2024, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Toàn ngành cần cố gắng tham mưu để mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu đạt 15% so với mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5%... Ngoài ra, trong năm 2024, toàn ngành cũng cần phấn đấu tham mưu để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, tối thiểu bằng 50% hộ nghèo nông thôn.

Theo Bộ LĐTB&XH, khi nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng, tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại gần 10.000 tỷ đồng. Nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách Nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

Khi nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng/người/tháng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến, nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách Nhà nước bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Với việc Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, kinh phí lên tới 17.276 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tối đa là 7.430 tỷ đồng. Vì thế, khi nêu ý kiến về tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách BHXH, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và sơ sở pháp lý theo quy định.