Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đeo khẩu trang có phòng được virus Corona?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/1, Trung Quốc xác nhận đã có 80 ca tử vong cùng gần 3.000 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) - con số đã tăng cao so với ngày 26/1.

Từ lúc biết dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV có thể lây từ người sang người, người dân Trung Quốc đổ xô đi mua khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm. Các cửa hàng thuốc đều bán hết khẩu trang bao gồm cả loại N95. Nhưng liệu khẩu trang y tế có đủ để ngăn chặn loại virus này không?
 Các công nhân tại một nhà máy làm khẩu trang ở Handan, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Theo bác sĩ Amesh Adalja - chuyên gia bệnh lây nhiễm thuộc Trung tâm John Hopkins, Mỹ, phân tích, loại khẩu trang y tế này được thiết kế để giúp người đeo không lây bệnh cho người khác nhưng chúng không ngăn được việc hít phải vi trùng trong không khí. Lỗ hổng hai bên khẩu trang làm giảm chức năng chống lại bệnh tật. Để ngăn chặn số lượng vi trùng trong không khí, người dân cần loại khẩu trang N95. Loại này được bác sĩ phẫu thuật dùng khi ở cùng bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh lao. Loại khẩu trang này cũng không phải là giải pháp hoàn hảo cho người dân để ngăn chặn loại virus Corona.
“Bác sĩ phẫu thuật được trang bị khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt và chỉ đeo chúng trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, mua khẩu trang từ tiệm thuốc sẽ không thể ngăn được vi khuẩn. Loại mặt nạ này chỉ lọc không khí giúp tạo ra rào cản chống vi khuẩn. Tuy nhiên, khẩu trang phẫu thuật chặn được hầu hết các giọt dịch thể lớn bắn ra từ đường hô hấp, chẳng hạn từ người hắt hơi hoặc ho, không cho chúng xâm nhập vào mũi và miệng người đeo. Virus Corona chủ yếu lây lan qua các giọt dịch thể”- bác sĩ Amesh Adalja phân tích.
Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học New South Wales cho thấy, chiếc khẩu trang này có tỷ lệ hiệu quả khoảng 80% về việc bảo vệ người đeo khỏi virus. Nghiên cứu này được thực hiện qua sự lây lan của dịch cúm. Nhưng bác sĩ cho rằng, 2 loại bệnh dịch lây lan theo cùng một cách. Virus Corona lây qua đường hô hấp chẳng hạn qua ho hay hắt hơi, khá giống với bệnh cúm, chúng rất dễ lây lan. Đó là vấn đề khi người bệnh có một trong số những triệu chứng có thể gây bệnh nặng.
Một nghiên cứu khác cho thấy, việc tuân thủ đúng những yêu cầu sử dụng khẩu trang khi có dịch bệnh chỉ có tỷ lệ hiệu quả khoảng 50%. Đối với những người không tuân thủ, họ cho biết, cũng không có gì khác biệt về tỷ lệ nhiễm trùng giữa những người đeo khẩu trang và không đeo khẩu trang.
Vậy cách tốt nhất để giữ bản thân an toàn là gì? Lời khuyên của bác sĩ Adalja rất đơn giản. Điều tốt nhất người dân có thể làm là vệ sinh sạch sẽ, rửa tay, tránh xa những người nhiễm bệnh nếu có thể. Nếu bạn ở Trung Quốc, nơi phát sinh bệnh dịch, hãy tránh xa chợ bán thịt sống, đó có thể là nguồn gốc của loại virus mới này. Nếu bạn chọn cách đeo khẩu trang, hãy làm theo các quy tắc: Không tháo khẩu trang thường xuyên; không chạm vào mặt khi đeo khẩu trang hay tái sử dụng. Vì làm như vậy sẽ giảm chức năng của nó. Bởi thực tế, hầu hết mọi người sẽ thò tay dưới khẩu trang để gãi mặt hay xoa mũi, làm cho những chất gây bệnh tiếp xúc với mũi và miệng. “Vì vậy, người dân không nên cứ nghe điện thoại là tháo khẩu trang ra”- bác sĩ Adalja lưu ý.
Một nghiên cứu về dịch SARS năm 2003 cho thấy, bất kỳ hình thức bảo vệ cơ thể nào, dù là khẩu trang hay mặt nạ phòng độc, đều có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế tới 85%.
Song vấn đề gây lo ngại là nhiều người không sử dụng khẩu trang đúng cách. Hầu hết vẫn có thói quen dùng tay chạm vào mũi, miệng bên dưới lớp vải, chẳng hạn để gãi ngứa. Hành động này mang theo bụi bẩn và các mầm bệnh tiềm tàng vào cơ thể.
Theo New York Times, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, khẩu trang che mũi và miệng có thể giúp ngăn sự phát tán bệnh, nếu được đeo đúng cách và dùng thường xuyên. Dù vậy, về mặt khoa học, chưa có nhiều bằng chứng khoa học có căn cứ chặt chẽ về tính hiệu quả của khẩu trang, ngoại trừ trong môi trường y tế.
Hầu hết các nghiên cứu chất lượng nhất, tức các khảo sát có đối chứng (controlled) và có tính ngẫu nhiên (randomized), tìm hiểu độ hiệu quả của khẩu trang trong môi trường y tế (ngăn sự lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên y tế), và kết luận rằng khẩu trang có tác dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về vấn đề lớn hơn, là mọi người không dùng khẩu trang đúng cách.
Giáo sư Jean-Christophe Lucet phụ trách khoa chống nhiễm trùng tại bệnh viện Bichat ở Paris (Pháp) ghi nhận mang khẩu trang đã trở thành thói quen ở châu Á.
Giáo sư Jean-Christophe Lucet phân tích, khẩu trang có tác dụng chống lây nhiễm không phải là loại khẩu trang chống văng nước bọt đơn thuần giống như khẩu trang mà các bác sĩ phẫu thuật và nhân viên y tế sử dụng.
Khẩu trang hữu ích nhất là loại bảo vệ đường hô hấp theo tiêu chuẩn FFP2 có trang bị bộ lọc. Nếu không có chức năng lọc, khẩu trang không bảo vệ được người sử dụng khỏi nhiễm virus.
 Thực hiện khai báo y tế ở tất cả các cửa khẩu ở Việt Nam.
Về hình thức, chức năng của khẩu trang y tế FFP2 khá đơn giản gồm nhiều lớp màng lọc giúp ngăn chặn các tác nhân lây nhiễm tiếp xúc với màng nhầy. Dù vậy, điều quan trọng không kém là cách sử dụng khẩu trang. Điều quan trọng là hít thở qua bộ lọc chứ không phải ở hai bên khẩu trang.
Trong quy định y tế quốc tế năm 2009 được bổ sung sau đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: "Lợi ích của việc mang khẩu trang trong cộng đồng chưa được chứng minh… trái ngược với không gian hạn chế nơi xảy ra tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng giống cúm".
Song song theo đó, WHO cũng cảnh báo: "Trên thực tế sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm thay vì giảm bớt nguy cơ. Nếu phải sử dụng khẩu trang, cần phải được tập huấn cách sử dụng đúng thiết bị này".
Tại Việt Nam đã có 59 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch. Trong đó, 22 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 35 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly và 2 trường hợp người Trung Quốc dương tính với nCoV được cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy có tình trạng ổn định.
Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, duy trì theo dõi, cập nhật kết quả điều tra các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tại các khu vực. Tổ chức điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV ngay khi nhận được thông tin.
Để để phòng, chống lây nhiễm virus Corona mới (2019-nCoV) gây viêm phổi cấp, WHO tại Việt Nam khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sau:
Đó là rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc chà (xoa) tay bằng cồn khô; che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy, ống tay áo hoặc lấy khuỷu tay che khi ho hoặc hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần mà không có mặc đồ bảo hộ với bất kỳ ai có các triệu chứng cảm lạnh hoặc giống như cúm. Nếu bị sốt, ho, khó thở cần đến cơ sở y tế gần nhất.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo tương tự về lựa chọn loại khẩu trang phù hợp để ngăn ngừa virus gây bệnh.
Điều này cũng được bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) nhắc tới trong khuyến cáo gần đây, cần mang khẩu trang vừa vặn, có thể che kín được cả miệng và mũi. Không nên đeo khẩu trang chỉ để che miệng hoặc che mũi rồi thỉnh thoảng kéo xuống cằm để cười nói.
Trong khi bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện tại toàn xã hội chỉ biết thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng ngừa và ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do virus corona. “Để tránh tiếp xúc với mầm bệnh hoặc khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc khu vực có tiếp xúc dịch tễ, người dân có thể sử dụng loại khẩu trang phẫu thuật 3 lớp được dùng trong phòng phẫu thuật. Các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh”- bác sĩ Khanh nhấn mạnh.