Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di dời trụ sở ra khỏi nội đô: Phải có chế tài mạnh mẽ

Đặng Sơn - Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Bí thư T.Ư Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới; trong đó nhấn mạnh giải pháp di dời một số trụ sở, trường học, khu sản xuất ra khỏi lõi đô thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tiến độ di dời, không chỉ cần tạo điều kiện mà còn phải có chế tài xử lý những trường hợp chậm muộn.

Giãn dân cơ học vẫn bế tắc

Nhằm giảm tải gánh nặng hạ tầng khu vực nội đô, nhất là để hạn chế ách tắc giao thông, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011) đã tính đến và đã đưa ra giải pháp từng bước di dời một số cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan T.Ư… ra khu vực ngoại thành.

Nhiều khu vực nội thành Hà Nội có mật độ các trường đại học tập trung lớn, gây áp lực về hạ tầng đô thị, giao thông. Trong ảnh: Trường Đại học KHXH&NV và Trường Đại học Khoa học tự nhiên trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công Hùng
Nhiều khu vực nội thành Hà Nội có mật độ các trường đại học tập trung lớn, gây áp lực về hạ tầng đô thị, giao thông. Trong ảnh: Trường Đại học KHXH&NV và Trường Đại học Khoa học tự nhiên trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công Hùng

Quy hoạch cũng đề cập rất rõ việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường đại học, cao đẳng khu vực nội đô, khống chế khoảng 30.000 sinh viên. Cụ thể hóa quy hoạch chung, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 3/2021 đã xác định đến năm 2030 kéo giảm số dân khu vực này khoảng 215.000 người.

Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu là di dời các cơ sở công nghiệp, trụ sở cơ quan T.Ư, cơ sở giáo dục, y tế... để kéo dân cơ học ra khỏi khu vực trung tâm.

Định hướng quy hoạch là vậy, thế nhưng trên thực tế tiến độ di dời các cơ sở đến nay vẫn rất ì ạch. Hầu hết các bộ, ngành đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới nhưng chưa bàn giao trụ sở cũ ở nội thành.

Đến nay, đã có 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan T.Ư quản lý. Các cơ sở giáo dục, trường đại học di dời ra bên ngoài cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện mới chỉ có trường Đại học Y tế công cộng di dời ra khỏi quận Ba Đình, Đại học Quốc gia Hà Nội tháng 5 vừa rồi mới di dời trụ sở lên Hòa Lạc sau 20 năm xây dựng.

Có thể khẳng định, việc chậm di dời các trụ sở bộ, ngành, các trường đại học là một trong những điểm nghẽn của kế hoạch giảm tải giao thông đô thị cho Hà Nội cũng như nhiều TP lớn trên cả nước. Bởi chính các cơ sở này là đích đến, thu hút lượng lớn phương tiện vào nội đô gây ùn tắc.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện TP có hơn 8 triệu cư dân thường trú và khoảng hơn 1 triệu người thường xuyên đi lại trên địa bàn, cùng với đó là hơn khoảng 8 triệu phương tiện giao thông.

Phần lớn trong số này tập trung tại các quận nội thành, hàng ngày thực hiện hàng chục triệu chuyến đi hướng tâm, đến làm việc, học tập, kinh doanh, khám chữa bệnh… quanh các khu vực cơ quan, trường học, bệnh viện, khu sản xuất trong lõi đô thị.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô là khó tránh khỏi nếu không di chuyển đích đến của những chuyến đi ra ngoại thành. Đa số người dân bắt buộc phải vào nội đô hàng ngày để làm việc, học tập…

“Các cơ quan bộ, ngành, trường học, bệnh viện… như những thỏi nam châm hút lượng người và phương tiện ngày càng đông. Cách tốt nhất là mang những thỏi nam châm đó đặt ra khu vực ngoại thành nơi có thể tổ chức giao thông tốt hơn, dễ dàng sắp xếp, phân bổ hơn” - ông Phan Trường Thành nói.

Vậy nhưng đã nhiều năm trôi qua, việc di dời các cơ sở thu hút đông người trong nội đô vẫn rất chậm chạp. Nhiều ý kiến cho rằng cần đồng bộ những giải pháp, vừa đưa ra cơ chế chính sách, vừa thiết lập chế tài xử lý việc chậm di dời trụ sở theo quy hoạch. Đặc biệt là cần có sự vào cuộc quyết liệt, thực chất của các cấp, ngành, địa phương liên quan.

Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, cuối tháng 4/2023, Chính phủ đã có Quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Đây có thể coi là cơ sở quan trọng để thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành, giải quyết những tồn tại suốt 20 năm qua.

Nhiều khu vực nội thành Hà Nội có mật độ các trường đại học tập trung lớn, gây áp lực về hạ tầng đô thị, giao thông. Trong ảnh: Trường Đại học KHXH&NV và Trường Đại học Khoa học tự nhiên trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công Hùng
Nhiều khu vực nội thành Hà Nội có mật độ các trường đại học tập trung lớn, gây áp lực về hạ tầng đô thị, giao thông. Trong ảnh: Trường Đại học KHXH&NV và Trường Đại học Khoa học tự nhiên trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội thì yêu cầu đặt ra bên cạnh xây dựng các trụ sở làm việc thì cần phải quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng như các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở… để tạo điều kiện thu hút cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc và sinh sống, giảm áp lực giao thông đi lại.

Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội, TS.KTS Vũ Hoài Đức cho hay, để tạo chuyển biến lớn, trên diện rộng công tác di dời từ cơ sở công nghiệp đến trụ sở bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện nhằm giảm tải hạ tầng, hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cho khu vực trung tâm cần đồng bộ nhiều giải pháp từ cơ chế chính sách, chế tài xử lý đến quy hoạch quỹ đất…

Thủ đô hiện tại đã khác, diện tích đất đai được mở rộng, định hướng và mô hình không gian chùm đô thị nhằm giải quyết vấn đề giảm tải cho khu vực nội đô cũng đã được đặt ra.

“Vì vậy, trong điều chỉnh lần này, quy hoạch cần nghiên cứu để phân bổ quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở di chuyển nhưng đồng thời cũng là để tương lai gần Thủ đô có những khu công sở, khu công nghiệp, đô thị đại học và bệnh viện tuyến đầu là những khu vực hiện đại, đồng bộ, đóng góp vào sự phát triển đô thị bền vững” - TS KTS Vũ Hoài Đức nói.

Chỉ thị số 23 - CT/TW của T.Ư Đảng đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm gồm thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao.

Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm TP theo quy hoạch.

Trong bối cảnh hiện nay, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến tiến độ cũng như sự thành công của lộ trình di dời trụ sở, giảm tải cho lõi đô thị.

Không chỉ tạo điều kiện, hoàn tất khâu chuẩn bị mà còn phải có sự giám sát, thúc giục, đánh giá trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong hành động thực tế để giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát triển đô thị trật tự, đúng quy hoạch.

Bài học cần rút ra khi quy hoạch Khu liên cơ quan sở, ngành của Hà Nội tại đường Võ Chí Công. Khu vực này chỉ là văn phòng làm việc, không có chỗ để xe, không bố trí chỗ ở… dẫn đến việc người dân đến giao dịch rồi nhân viên đi làm vẫn phải di chuyển con thoi từ nội thành ra, càng gây áp lực giao thông mạnh hơn.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS
Đào Ngọc Nghiêm