Đi tìm hướng phát triển lâu dài cho karate Hà Nội

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau thành công tại SEA Games 31 cùng đoàn thể thao Việt Nam, karate Hà Nội bước vào chinh phục tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Giành 4 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ, karate Hà Nội xuất sắc giành vị trí nhất toàn đoàn, tạo bàn đạp cho những mục tiêu xa hơn.

Khẳng định vị thế số 1

Kết thúc thi đấu tại SEA Games 31, karate Việt Nam giành ngôi Nhất toàn đoàn với 7 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ. Thành tích này, karate Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại SEA Games 31 (mục tiêu là từ 4 đến 5 HCV). Đóng góp vào thành tích chung, karate Hà Nội có sự góp mặt của những tên tuổi như Chu Đức Thịnh, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Ngoan …

Hướng tới Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, karate Hà Nội tham dự 31 vận động viên tham gia, tranh tài ở 15 nội dung. Các vận động viên karate Hà Nội đã xuất sắc vượt qua các đội karate mạnh trên cả nước như Quân đội và Đồng Tháp để giành vị trí Nhất toàn đoàn với 4 HCV, 4 HCB và 5 HCĐ. So với thành tích cách đây 4 năm khi Hà Nội là chủ nhà đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XVIII, karate Hà Nội được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao và thành có bước tiến đáng khích lệ (tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, karate Hà Nội đứng ở vị trí Nhì toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB và 5 HCĐ).

Karate Hà Nội định hướng phát triển lâu dài sau Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Bùi Luợng.
Karate Hà Nội định hướng phát triển lâu dài sau Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Bùi Luợng.

Trưởng bộ môn karate, Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội) Lê Tùng Dương cho biết, thành tích của karate Hà Nội là kết quả của sự cố gắng không biết mệt mỏi và đáng khen của các vận động viên karate Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh đội tuyển không được đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài do dịch Covid-19 cũng như một số lý do khách quan khác.

Thực tế,  karate Hà Nội có thế mạnh về nội dung quyền biểu diễn. Tuy nhiên, để giành được ngôi Nhất toàn đoàn các vận động viên cũng như ban huấn luyện gặp không ít thách thức, đặc biệt thời điểm hiện tại nhiều đơn vị khác cũng đã quan tâm, đầu tư cho bộ môn. Điều minh chứng rõ nhất là số lượng huy chương của các đoàn tham dự Đại hội có sự chênh lệnh không lớn (Karate Hà Nội xếp đầu với 4HCV và Quân đội, Đồng Tháp lần lượt xếp phía sau với 2 HCV).

“Karate Hà Nội là nòng cốt tập trung ở đội tuyển quốc gia, trong đó ở nội dung biểu diễn các thành viên đã quá hiểu nhau trong suốt quá trình tập luyện cũng như thi đấu để giành được thành tích cao” – ông Lê Tùng Dương cho biết.

Thành quả của karate Hà Nội đã góp vào thành tích chung của thể thao Thủ đô tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Đây cũng là lời khẳng định cho vị thế số 1 của đơn vị thể thao hàng đầu cả nước trong khoảng thời gian dài.

Định hướng phát triển lâu dài

Sau Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, karate Hà Nội sẽ hướng đến những giải đấu cao hơn như: Giải vô địch trẻ và vô địch châu Á, diễn ra từ ngày 16 đến 20/12 ở Uzbekistan. Đây là bước chuẩn bị quan trọng của đội tuyển karate quốc gia cho SEA Games 32 và ASIAD năm 2023. Để hướng đến những giải đấu này, ngay sau khi kết thúc thi đấu tại Đại hội, các vận động viên đội tuyển karate Hà Nội đã tập trung và tập luyện cùng đội tuyển quốc gia tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội.

Các vận động viên karate thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Bùi Lượng
Các vận động viên karate thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Bùi Lượng

Cũng theo Trưởng bộ môn karate, Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội) Lê Tùng Dương, karate Hà Nội có ưu thế ở nội dung quyền biểu diễn và có lứa vận động viên trẻ kế cận, có thể đáp ứng được nhiệm vụ ở những sân chơi châu lục và rộng hơn là sân chơi thế giới. Tuy nhiên, điều quan trong để hướng tới những mục tiêu xa hơn ở quốc tế cũng như phát triển lâu dài, các vận động viên phải được thi đấu liên tục, có điều kiện tập luyện đảm bảo để phát triển chuyên môn, tăng tính cọ xát bằng việc tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, rèn thể lực, giữ phong độ, duy trì trạng thái thi đấu.

Nhìn lại sự phát triển của karate Việt Nam ở thời đỉnh cao như năm 2002, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mạnh nhất ở cả cấp độ châu lục lẫn thế giới khi các võ sĩ Việt Nam đã mang về 2 HCV tại kỳ ASIAD tổ chức trên đất Hàn Quốc. Đến kỳ SEA Games 22, karate được cho là "mỏ vàng" của đoàn thể thao Việt Nam khi giành 12/19 HCV, vượt xa chỉ tiêu ban đầu là 4 HCV. Tuy nhiên, đến kỳ SEA Games 2013 trên đất Myanmar, karate Việt Nam đạt thành tích không như mong đợi khi chỉ giành 3/17 HCV và bắt đầu tụt lại so với Malaysia và Thái Lan với nhiều lý do khác nhau.

Gần 2 thập niên trôi qua, karate Việt Nam mới trở lại vị thế của Đông Nam Á tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà. Đây là bài học cho karate Hà Nội để định hướng phát triển lâu dài của đơn vị cũng như đóng góp vào thành tích chung của thể thao nước nhà.

Theo Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, để karate Hà Nội phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu cao hơn, Trung tâm sẽ hỗ trợ các vận động viên đang tập huấn ở đội tuyển quốc gia về chế độ dinh dưỡng và trang thiết bị tập luyện. Ngoài ra, Hà Nội cũng mời các chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các vận động viên nội dung quyền; hỗ trợ kinh phí để các vận động viên đi tập huấn ở nước ngoài, giúp vận động viên có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ.

“Việc tuyển chọn các tài năng kế cận là điều bắt buộc phải duy trì đối với tất cả các bộ môn. Đối với karater, Trung tâm sẽ phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức thêm các giải đấu phong trào, nhằm giúp công tác tuyển chọn, phát hiện thêm những tài năng bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Cùng với đó sẽ vạch ra định hướng đầu tư phát bài bản, giúp các vận động viên karate Hà Nội có động lực trong tập luyện, thi đấu giành thêm nhiều thành tích tại các sân chơi thế giới, giữ vị thế hàng đầu trong nước, đóng góp vào thành tích chung thể thao Việt Nam” – ông Đào Quốc Thắng nhấn mạnh.