Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về số lượng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng tại các nước nghèo, trong bối cảnh nhiều nước giàu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa.
"Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong đại dịch này", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hôm 20/5 tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. "Trong 24 giờ qua, đã có 106.000 ca nhiễm được báo cáo cho WHO, nhiều nhất một ngày kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Gần hai phần ba trong số các ca nhiễm này do 4 quốc gia báo cáo", ông Tedros nói.
Nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của WHO Maria Van Kerkhove xác nhận với CNN qua email, rằng 4 quốc gia nói trên gồm Mỹ, Nga, Brazil và Ấn Độ.
Báo cáo 106.000 ca nhiễm trên không có nghĩa là tất cả được xét nghiệm hay thống kê trong vòng 24 giờ qua, do có sự chậm trễ tại nhiều khâu trong quy trình báo cáo. Tuy nhiên, thống kê của WHO, cơ quan của Liên Hợp quốc, đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, được cho là đáng tin cậy.
Theo thống kê của trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers, thế giới ghi nhận gần 87.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 21/5, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 5.078.237 trường hợp, trong đó 329.132 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 2.019.220 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mỹ - tâm dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm hơn 18.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 1,6 triệu, trong đó gần 95.000 người chết.
Mỹ đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và chết vì dịch Covid-19, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên đầu người của nước này thấp hơn một số quốc gia như Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Italy hay Thụy Điển.
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa nhưng với những biện pháp không đồng đều. Một số bang như Georgia và Texas gỡ nhiều hạn chế trong khi các bang khác có cách tiếp cận thận trọng hơn. Baltimore cấm tụ tập hơn 10 người và các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa.
Bang New York thực hiện xét nghiệm các nhân viên tiệm tạp hóa và hiệu thuốc để đảm bảo an toàn khi nới lỏng phong tỏa. Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố có đủ đồ bảo hộ cá nhân cho đến hết tháng 5. Tổng thống Donald Trump hôm 19/5 thông báo ông đang xem xét việc cấm di chuyển từ Mỹ Latin đến Mỹ, đặc biệt là Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Nga báo cáo 8.764 ca nhiễm bệnh Covid-19 mới trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 1/5, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 308.705, trong đó 2.972 người chết.
Đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovic nhận định tình hình Covid-19 tại Nga "đã bước vào giai đoạn ổn định", song đề nghị nước này nỗ lực hơn để giảm ca nhiễm mới.
Nga đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn dịch Covid-19, nhưng khuyến cáo người dân đeo găng tay và khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người ở nơi công cộng.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 hiện lên đến 279.524 sau khi nước này ghi nhận thêm 721 trường hợp trong ngày 20/5. Tây Ban Nha hiện có số người nhiễm lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số người tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 27.888 sau khi ghi nhận thêm 110 trường hợp.
Chính quyền Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới đến tháng 7, trong một động thái nhằm tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19.
Trong ngày 20/5, nước Anh có thêm 363 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch tại nước này lên 35.704 ca và gần 250.000 người nhiễm bệnh.
Chính phủ Anh hiện đang lên kế hoạch mở lại các trường học từ ngày 1/6 và nối lại các hoạt động du lịch trong tháng 7.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 20/5 tuyên bố từ ngày 1/6, nước Anh sẽ có khả năng theo dõi tiếp xúc của 10.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tiến hành trên 200.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Cụ thể, theo ông Boris Johnson, tính đến đầu tháng 6, chính phủ Anh sẽ tuyển dụng được tổng cộng 25.000 nhân viên truy dấu các ca nhiễm và qua đó, sẽ kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh.
Italia ngày 20/5 ghi nhận thêm 665 ca mắc mới và 161 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 227.364, trong đó có 32.330 ca tử vong. Tốc độ lây lan đang có chiều hướng giảm.
Chính quyền dự kiến cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu bước nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3. Tất cả các sân bay có thể mở cửa trở lại từ ngày này. Italy sẽ mở biên với các nước EU và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 20/5 là 181.575 sau khi ghi nhận thêm 766 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 110, nâng tổng số ca tử vong lên 28.132. Kể từ khi dỡ phong tỏa, Pháp phát hiện khoảng 25 ổ dịch mới trên toàn quốc, trong đó có những ổ dịch lớn, với hàng chục đến hơn một trăm ca nhiễm virus.
Đức ghi nhận thêm 72 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.265 trong 178.494 ca nhiễm.
Từ 20/4, 16 bang khắp nước Đức từng bước dỡ bỏ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau. Đức cũng bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng từ ngày 16/5, mục tiêu là nối lại việc đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Tốc độ tăng ca nhiễm và tử vong ở châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng ba, cho phép các nước nới lỏng phong tỏa xã hội. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 nếu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách biệt cộng đồng một cách nhanh chóng.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất với 291.579 ca nhiễm và 18.859 ca tử vong, tăng lần lượt 19.694 và 876 trường hợp. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Bộ Y tế Brazil ra chỉ dẫn khuyến nghị các bác sĩ sử dụng thuốc chống sốt rét để điều trị người nhiễm virus SARS-CoV-2, kể cả những ca có triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy xác nhận họ đã được thông báo về các tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm rối loạn chức năng tim và gan, tổn thương võng mạc và thậm chí tử vong.