Dịch nCoV có ảnh hưởng tới ngành ngân hàng?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra diễn biến ngày một phức tạp, nhiều nhận định cho rằng, ngành ngân hàng sẽ không chịu tác động nhiều. Mục tiêu lợi nhuận 2020 được các nhà băng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng so với 2019.

 
Với kết quả tích cực trong năm qua, nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay. Đơn cử, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 26.500 tỷ đồng. BIDV lên kế hoạch đạt 12.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. VietinBank đưa ra các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 10% trở lên, tổng tài sản tăng trưởng từ 6 - 8%, tín dụng tăng trưởng khoảng 8 - 10%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%...
Tại nhiều ngân hàng tư nhân, mức tăng trưởng đưa ra cho năm 2020 còn cao hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước. Chẳng hạn, năm nay, Hội đồng quản trị ACB dự kiến sẽ trình ĐHCĐ thường niên năm nay (dự kiến tổ chức trong quý I hoặc quý II/202) thông qua chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 8.700 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 25%. Eximbank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước dự phòng là 2.400 tỷ đồng. Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 750 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2020, đại diện VietBank nhận định, kinh tế năm 2020 chưa hết khó khăn, nhưng vẫn có nhiều thuận lợi, nên Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao, tối thiểu 40% so với năm 2019...
Sẵn sàng cho một năm đầy thử thách và cơ hội 
Mặc dù đại dịch cúm do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra diễn biến ngày một phức tạp, nhiều nhận định cho rằng, ngành ngân hàng sẽ không chịu tác động nhiều. Trong Báo cáo đánh giá tác động của dịch virus Corona mới đây, chứng khoán KB Securities bất ngờ đưa ra kỳ vọng rằng nhóm ngành ngân hàng và các nhóm xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi.Trong một động thái gần nhất, PBoC cũng tuyên bố sẽ bơm 21,7 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong phiên mở cửa trở lại ngày 3/2 nhằm bình ổn tâm lý thị trường cùng với những gói vay lãi suất thấp giúp đỡ các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.
Tương tự đối với Việt Nam, là một trong những nước chịu tác động kinh tế từ dịch bệnh, nhiều khả năng cũng có thể nới tăng trưởng tín dụng vượt mức đề ra nếu mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng chính phủ cũng sẽ kích thích tài khóa, đẩy mạnh đầu tư công. "Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng tôi kì vọng nhóm ngành Ngân Hàng và các nhóm Xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi", KBSV đưa ra dự báo.
Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng đều đưa ra dự báo về ngành ngân hàng năm 2020 vẫn tăng trưởng tích cực, cho dù các quy định pháp lý trong hoạt động ngân hàng chặt chẽ hơn. Nhìn nhận về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2020, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ được giữ ở nhịp độ như năm 2019, có thể thấp hơn. Quy mô tín dụng hiện tại của Việt Nam đã đạt 8,2 triệu tỷ đồng, bằng 138% GDP, một tỷ lệ tương đối cao, trong khi tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng trong một vài năm tới do tăng trưởng GDP khó vượt trên tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù tổng tín dụng có thể tăng chậm lại, nhưng tín dụng cho các ngành nghề ưu tiên hay cho sản xuất - kinh doanh nói chung sẽ vẫn tăng cao. Trong năm 2019, tín dụng với nhóm DN vừa và nhỏ tăng 16%, nhóm DN công nghệ cao tăng 15%, trong khi tín dụng chung tăng dưới 14%.
TS. Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh dự báo, thu nhập dịch vụ ngành ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2020, trong đó động lực chủ yếu được thúc đẩy bởi dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Đồng thời, khả năng sinh lời từ nguồn thu ngoài lãi sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Thực tế trong kế hoạch năm 2020, chiến lược của ACB là tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ, tăng nguồn thu từ dịch vụ. ACB chủ yếu cho vay nhỏ, lẻ và lợi thế cạnh tranh của Ngân hàng là trong nhóm khách hàng cá nhân ACB đi vào phân khúc trung bình cao. Ðể sẵn sàng cho một năm mới đầy thách thức và nhiều cơ hội, Vietcombank cho biết, phát triển tín dụng cho vay theo chương trình, hạn chế cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, khách hàng có NIM (lãi cận biên) thấp, chú trọng tín dụng bán buôn ngắn hạn thông qua sử dụng hiệu quả các gói lãi suất, phí, tăng tỷ trọng tín dụng có tài sản đảm bảo, tín dụng gắn với điều kiện thương mại trên tổng tín dụng.
Ông Lê Ðức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ngân hàng do cần hoàn thành tốt các mục tiêu tái cấu trúc hệ thống, cũng như các mục tiêu của kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020; tạo đà cho thực hiện có kết quả Chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.
Trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ông Thọ nhận định: “VietinBank sẽ tận dụng được cơ hội để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả, an toàn và bền vững, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, thực hiện thành công Chiến lược phát triển của VietinBank”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần