Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điềm báo gì từ cú sốc Dubai?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tốc độ leo thang của nợ nần thậm chí còn đáng ngại hơn ở hai quốc gia Ireland và Latvia, nơi sự phát triển kinh tế bùng nổ diễn ra cách đây chưa lâu nhờ nguồn vốn tín dụng dễ dãi và giá nhà đất tăng vọt.

KTĐT - Tốc độ leo thang của nợ nần thậm chí còn đáng ngại hơn ở hai quốc gia Ireland và Latvia, nơi sự phát triển kinh tế bùng nổ diễn ra cách đây chưa lâu nhờ nguồn vốn tín dụng dễ dãi và giá nhà đất tăng vọt. 

Những con số thống kê về tình trạng nợ nần của thế giới hiện nay khiến người ta phải giật mìnhCuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn Dubai World đã tạm lắng xuống với việc con nợ và các chủ nợ ngồi vào bàn đàm phán để tái cơ cấu lại một phần tiền vay.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu nên coi cú sốc Dubai là một sự kiện riêng lẻ của vùng Vịnh hay điềm báo cho những cú sốc về nợ khác chuẩn bị xảy ra?

Trong vòng một tuần trở lại đây, Dubai và tập đoàn quốc doanh Dubai World của tiểu vương quốc này đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu. Nguy cơ vỡ nợ của Dubai World đã làm dấy lên nỗi lo sợ về một làn sóng khủng hoảng tài chính mới. Trước đó, không ai có thể hình dung nổi, một tiểu vương quốc vốn được xem là biểu tượng của sự giàu có, với những tòa nhà cao nhất thế giới và một quần đảo nhân tạo tuyệt mỹ, lại bỗng chốc đối diện khả năng không thể thanh toán nợ.

Sự cố Dubai đã trở thành một hồi chuông cảnh báo đối với những ngân hàng lớn trên thế giới - những định chế vốn mới chỉ bắt đầu quá trình phục hồi khỏi khủng hoảng nhưng bảng cân đối kế toán vẫn chất đầy những khoản cho vay khổng lồ đối với các doanh nghiệp và chính phủ.

Lo ngại không kém các chủ nợ chính là các con nợ. Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Nga và khu vực Đông Âu, nhiều khoản vay lớn, kết quả của những “bữa tiệc” vay nợ trước đây, đang bắt đầu tới hạn hoặc đã quá hạn thanh toán. Thậm chí ngay ở những quốc gia giàu có nhất thế giới như Mỹ và Nhật Bản, do chính sách tài khóa nới lỏng để cứu tăng trưởng, thâm hụt ngân sách đang leo thang mạnh mẽ, làm gia tăng nỗi lo về khả năng chi trả nợ quốc gia, nhất là một khi lãi suất tăng trở lại.

Những con số thống kê về tình trạng nợ nần của thế giới hiện nay khiến người ta phải giật mình.

Tại Đức - quốc gia từ lâu vẫn đề cao chuyện tiết kiệm chi tiêu công - nợ chính phủ đang trên đà tăng và dự báo sẽ đạt mức 77% GDP vào năm tới, từ mức 60% GDP vào năm 2002. Tại Anh, nợ chính phủ trong cùng khoảng thời gian được dự báo tăng gấp đôi, lên mức hơn 80% GDP.

Tốc độ leo thang của nợ nần thậm chí còn đáng ngại hơn ở hai quốc gia Ireland và Latvia, nơi sự phát triển kinh tế bùng nổ diễn ra cách đây chưa lâu nhờ nguồn vốn tín dụng dễ dãi và giá nhà đất tăng vọt. Dự báo, nợ công của Ireland sẽ lên tới 83% GDP vào năm tới, từ mức 25% vào năm 2007. Tại Latvia, nợ công có thể ngang với một nửa GDP vào năm 2010, từ mức vỏn vẹn 9% GDP cách đây có 2 năm.

Ở những quốc gia vùng Baltic như Lithuana và Estonia và một số nước Đông Âu như Bulgaria và Hungary, tình trạng cũng tương tự. Theo chuyên gia Ivan Tchakarov thuộc ngân hàng Nomura, nợ công tại các nước này đều đã vượt mức 100% GDP. Trong khi đó, phần lớn số nợ này đều là nợ ngoại tệ, nên các nước mang nợ không thể phá giá đồng nội tệ để giảm nợ trong trường hợp cần thiết.

Ít ý kiến cho rằng trong tương lai gần, một quốc gia nào đó có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ công. Nhiều người tin là các nước giàu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ can thiệp trong trường hợp một chính phủ nào đó cần giải cứu.

Tuy nhiên, không ai dám đảm bảo là các doanh nghiệp sẽ được giải cứu trong trường hợp họ đứng trước bờ vực vỡ nợ. Việc Chính phủ Dubai từ chối bảo lãnh nợ cho Dubai World có thể tạo ra tiền lệ cho các chính phủ nặng nợ trong việc đứng ngoài khi các doanh nghiệp của nước họ gặp rủi ro.

“Tôi nhận thấy có những lý do xác đáng để lo ngại rằng, vào năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ việc tương tự như vụ Dubai World, vì các chính phủ rồi sẽ nhận ra rằng, họ không đủ sức để bảo lãnh cho nợ của các công ty”, ông Pierre Cailleteau, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng định mức tín nhiệm Moody’s, nhận định.

Nhà kinh tế học Kenneth Rogoff thuộc Đại học Havard thì tin rằng, mọi quốc gia đang trong tình trạng dễ tổn thương vì nợ hiện nay đều có sự hậu thuẫn từ các quốc gia hoặc tổ chức khác, nên có khả năng tránh được nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, ông dự báo một làn sóng vỡ nợ có thể xảy ra sau hai năm nữa, vì khi đó, những quốc gia bảo lãnh “ngầm” sẽ phải tập trung vào những vấn đề kinh tế của chính họ.

Một đặc điểm của cuộc khủng hoảng tài chính lần này là một số chính phủ đã gia tăng nợ ngắn hạn. Ví dụ như Mỹ, nợ trái phiếu kho bạc kỳ hạn trong vòng 1 năm của nước này đã tăng từ mức 33% cách đây 2 năm lên mức 44% ở thời điểm giữa năm nay. Bởi vậy, rất có thể nước Mỹ sẽ sớm phải đối diện với những rắc rối về nợ nần.

“Trong vòng 1-2 năm tới, khi các nước công nghiệp phát triển gặp khó khăn với nợ của chính họ, họ sẽ ngại mở ví để giúp các nước khác hơn”, ông Rogoff nhận định.

Và điều này sẽ trở thành một thách thức lớn với các nước đang phát triển nặng nợ. Một thống kê của hãng tư vấn Kleiman International cho thấy, để thanh toán những khoản nợ tới hạn, vào năm tới, các thị trường đang nổi lên sẽ phải vay mượn 65 tỷ USD.

Như đã đề cập ở trên, bên cạnh nợ công, nợ doanh nghiệp cũng là một mối lo lớn nữa. Ông Gary N. Kleiman, Giám đốc của Kleiman International, ước tính, các doanh nghiệp trên thế giới sẽ đến hạn phải thanh toán số nợ 200 tỷ USD trong năm nay hoặc năm tới. Trong đó, riêng các công ty của Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chiếm tới khoảng một nửa số nợ này.

Theo một phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase, các công ty của Nga đã vay 220 tỷ USD từ các ngân hàng qua con đường phát hành trái phiếu trong thời gian từ 2006 đến 2008. Số tiền này tương đương với 13% GDP của Nga. Tại UAE, con số này là 135,6 tỷ USD, tương đương 35% GDP. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, mức vay nợ doanh nghiệp trong cùng thời gian trên là 72 tỷ USD, tương đương 10% GDP; các con số tương ứng của Kazakhstan là 44 tỷ USD, tương đương 44% GDP.

Trước đây, khi các doanh nghiệp không trả được nợ, thì các chính phủ có thể ra tay cứu giúp. Tuy nhiên, trên thực tế, một số công ty đã vỡ nợ vì chính phủ lựa chọn giải pháp đứng ngoài cuộc.

Lấy nước Nga làm ví dụ. Tổng nợ nước ngoài của nước này là hơn 470 tỷ USD, nhưng chỉ có khoảng 29 tỷ USD trong số này là nợ chính phủ, còn lại là nợ doanh nghiệp, bao gồm cả nợ của những doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ như Gazprom. Trường hợp đáng ngại nhất về nợ doanh nghiệp ở Nga là hãng nhôm lớn nhất nước này Rusal. Tập đoàn này năm nay đã không trả được các khoản tới hạn thanh toán trong tổng số nợ 16 tỷ USD.

Năm ngoái, một chi nhánh thuộc công ty sản xuất máy bay quốc doanh của Nga đã vỡ nợ, dù trước đó mọi người vẫn tin chi nhánh này sẽ được Chính phủ Nga bảo lãnh.