Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm chuẩn đại học 2024 dự báo tăng: thí sinh không nên quá lo lắng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước dự báo điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 của nhiều trường đại học sẽ tăng, các chuyên gia cho rằng, thí sinh không nên quá lo lắng bởi đây chưa phải là điểm trúng tuyển chính thức mà chỉ là một kênh tham khảo.

Dự báo tăng điểm chuẩn là xu hướng chung

Tại mùa tuyển sinh năm 2024, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 tiếp tục chiếm ưu thế, cả về số lượng thí sinh sử dụng và chỉ tiêu của các nhà trường. Căn cứ phổ điểm thi, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn của các trường đại học theo phương thức này sẽ tăng ở nhiều tổ hợp và mức tăng khoảng từ 0,25 đến 3 điểm.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường mình đăng ký (Ảnh: HUS)
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường mình đăng ký (Ảnh: HUS)

“Điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Kinh tế quốc dân có thể tăng 0,25 đến 0,75 điểm so với năm ngoái; trong đó những ngành tốp đầu tăng nhẹ, khoảng 0,25; những ngành nhóm giữa tăng mạnh hơn, từ 0,5 đến 0,75 điểm”. Đây là nhận định của TS Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Theo TS Lê Anh Đức, năm nay trường tuyển khoảng 7.000 sinh viên, tỷ lệ chỉ tiêu xét hoàn toàn bằng điểm thi tốt nghiệp là 18%, giảm 7% so với năm 2023. Qua phân tích phổ điểm, trung bình điểm thi của 6/9 môn thi tốt nghiệp tăng từ 0,06 đến 1,04; trong đó có những môn thuộc tổ hợp xét tuyển chính của trường như toán, văn, tiếng Anh, vật lý; do đó, điểm chuẩn sẽ tăng theo xu hướng chung.

Với 6 ngành mới của trường gồm: Kỹ thuật phần mềm, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin, TS Lê Anh Đức nhận định điểm chuẩn có thể trên 26 bởi đều là những ngành được quan tâm, phù hợp xu thế thị trường

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Thương mại cho biết: trong vài năm gần đây, mặt bằng điểm chuẩn chung của trường là 26, một số ngành hot như Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng từ 27 trở lên.

“Năm nay, tỷ lệ chỉ tiêu mà trường dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp giảm từ 50% xuống 40%, trong khi đó điểm thi của thí sinh tăng nên điểm chuẩn 2024 có thể tăng nhẹ, khoảng 0,25 ở các ngành hot, còn lại giữ ổn định. Riêng 8 chương trình theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), do mới tuyển sinh và chưa được biết đến rộng rãi, điểm chuẩn sẽ thấp hơn - ở mức 24 điểm”, thạc sĩ Nguyễn Quang Trung dự báo.

Tại Học viện Ngân hàng, Trưởng phòng Đào tạo Trần Mạnh Hà nhận định: với phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay, điểm chuẩn của học viện và các trường top đầu nhìn chung sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm trước.

Với Trường Đại học Mở Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh Đỗ Ngọc Anh dự đoán ngưỡng trúng tuyển vào trường sẽ tăng, song khó cao đột biến. Ở nhóm kỹ thuật, công nghệ, khoa học như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) hay một số ngành của Trường ĐH Y Hà Nội, điểm chuẩn cũng được dự báo sẽ tăng từ 0,5 – 1 điểm so với năm 2023.

Thí sinh không nên quá lo lắng

Sau khi nghe dự báo điểm chuẩn của các trường năm 2024 với nhận định “xu thế đều tăng”, nhiều thí sinh bày tỏ sự sốt ruột, lo lắng.

“Điểm sàn của Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố là 22. Với 27,5 điểm tổ hợp D01, em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 ngành Kinh doanh quốc tế. Điểm thi của em năm nay bằng điểm chuẩn năm trước. Ban đầu em khá tự tin nhưng khi nghe các thầy dự báo điểm chuẩn có thể tăng nhẹ làm em hơi lo lắng. Dù vậy, các nguyện vọng sắp xếp phía dưới, em cũng đăng ký vào các trường có điểm chuẩn năm 2023 thấp hơn điểm thi của em khoảng 2-3 điểm”, Nguyễn Ngọc Anh, trú tại Hà Nội chia sẻ.

Sắp hết thời hạn đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 năm 2024.
Sắp hết thời hạn đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 năm 2024.

Trái ngược với Ngọc Anh, thí sinh Ngô Anh Sơn, trú tại tỉnh Bắc Ninh cho hay, điểm chuẩn tăng, nhất là ở tổ hợp C00 là điều không khó để biết trước. “Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp; đồng thời phân tích phổ điểm từng môn và từng tổ hợp, có thể thấy ngay tổ hợp C00 có điểm thi rất cao. Bởi thế, khả năng điểm chuẩn các trường tốp ở tổ hợp này như Sư phạm, Báo chí, Văn hoá, Văn học… sẽ tăng”, Ngô Anh Sơn phỏng đoán.

Cũng vì nghiên cứu khá kỹ phổ điểm thi năm 2024, điểm chuẩn các năm 2021, 2022, 2023 nên với mức điểm 25,5 ở tổ hợp C00, dù rất thích khoa Báo chí - Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn nhưng Ngô Anh Sơn chỉ dám đăng ký ngành này ở Trường ĐH Thăng Long. Theo Sơn, mức điểm của em có khả năng đỗ vào trường ĐH Thăng Long với đúng nguyện vọng đăng ký.

Còn ít giờ nữa là kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 trên hệ thống; trước tâm lý lo lắng của một bộ phận thí sinh về việc điểm chuẩn 2024 dự báo tăng, các chuyên gia cho rằng: thí sinh không nên quá sốt ruột để rồi nôn nóng, vội vàng thay đổi nguyện vọng một cách cảm tính. Nhận định điểm chuẩn của các thầy cô chỉ mang tính chất dự báo, là kênh để thí sinh tham khảo còn điểm trúng tuyển chính xác thì phải tới thời điểm công bố mới có thể biết chắc chắn.

Ngoài dự báo điểm chuẩn, căn cứ quan trọng khi thí sinh đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển là sở thích, năng lực, sự phù hợp, điểm thi thực tế, điều kiện kinh tế gia đình… với ngành, với trường mình đăng ký.

Thí sinh nên nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh, điểm chuẩn của các trường, xếp nguyện vọng xét tuyển của mình theo 3 nhóm: nhóm ước mơ (xếp lên trên); nhóm vừa sức (xếp giữa, bao gồm các nguyện vọng đỗ xét tuyển sớm); nhóm an toàn (xếp dưới cùng) để có khả năng trúng tuyển cao nhất và giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất.

 

Theo kế hoạch, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến; chậm nhất là 17 giờ ngày 19/8, các trường đại học trên cả nước sẽ công bố điểm chuẩn và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1.