Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm mặt các đại gia điện máy từng "ngã ngựa"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường điện máy tại Việt Nam luôn có sự đào thải khốc liệt khi trong vòng 5 năm trở lại đây mỗi năm đều có 1 doanh nghiệp ngã ngựa.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, thị trường điện máy luôn là mảnh đất màu mỡ khi hàng loạt cá nhân, tổ chức liên tiếp gia nhập với số vốn bỏ ra lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên lĩnh vực này luôn có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, bởi thế mà có một quy luật "lạ lùng" đã lặp lại trong vòng 5 năm trở lại đây là mỗi năm sẽ có 1 "ông lớn" phải ra đi.

Cú "ngã ngựa" của năm 2015 nhiều khả năng sẽ thuộc về Topcare khi siêu thị này liên tiếp đóng cửa các điểm bán của mình.

Ngoài Topcare của năm nay, trong quãng thời gian từ 2011 - 2014 cũng đã có 4 thương hiệu đình đám khác bị xóa sổ khỏi thị trường kinh doanh điện máy:

Việt Long (2014)

Được thành lập vào cuối năm 1998, tới năm 2002, Việt Long đã vươn lên hàng siêu thị điện máy lớn nhất miền Bắc khi là một trong những đại lý lớn nhất của các thương hiệu điện tử nổi tiếng nước ngoài như Sony, Panasonic, Toshiba ...
Việt Long
Việt Long
Ở thời điểm hưng thịnh nhất của mình, Việt Long đã sở hữu nhiều điểm bán tại các khu vực "vàng" như Giảng Võ, Ngô Gia Tự, Trần Phú, Trần Duy Hưng. Tuy nhiên càng trở về những năm gần đây, tình hình kinh doanh của thương hiệu này càng đi xuống, đỉnh điểm là đến cuối năm 2013, Việt Long chỉ còn duy nhất 1 điểm bán sau khi đóng cửa hàng loạt các địa chỉ khác nhằm tránh thua lỗ.

Tới đầu năm 2014, Việt Long đã đóng cửa nốt điểm bán cuối cùng của mình, qua đó đơn vị này chính thức bị xóa sổ khỏi thị trường điện máy. Nguyên nhân cho sự thất bại này bắt nguồn từ việc kinh doanh lao dốc cùng ngân hàng liên tục siết nợ đã khiến thương hiệu có tuổi đời lên tới 16 chìm vào quên lãng.

HomeOne (2013)

Ra mắt năm 2011 với số vốn ban đầu 200 tỷ đồng, thời điểm ban đầu HomeOne là một trong những cái tên nổi bật nhất trên thị trường điện máy với hàng loạt chương trình khuyến mại có giá trị "khủng". Thương hiệu này cũng sở hữu tới 3 siêu thị lớn tại các khu vực trung tâm của TP HCM.
HomeOne
HomeOne
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm kinh doanh, tới tháng 9/2013, HomeOne đã chính thức phải rời cuộc chơi khi liên tiếp đóng cửa các siêu thị của mình. Tại thời điểm phá sản, HomeOne đang trong tình cảnh nợ lương nhân viên 3 tháng, nợ tiền thuê mặt bằng và nợ nhà cung cấp hàng tỷ đồng.

Best Carings (2012)

Xuất hiện vào cuối năm 2004, Best Carings là chuỗi siêu thị điện máy nhượng quyền đầu tiên có mặt tại Việt Nam, dưới sự hợp tác của Công ty Tiếp thị Bến Thành (Tara) và Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Best Denki. Lấy thế mạnh là các chương trình khuyến mại, doanh nghiệp này từng rất thành công khi lọt vào top 500 nhà bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á – Thái Bình Dương 2008-2009 và top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam 2009-2010.
Best Carings
Best Carings
Mặc dù đang có quá trình phát triển rất ấn tượng nhưng tới năm 2010, Best Carings đột ngột quay sang phát triển mảng bán sỉ, kê từ thời điểm đó tình hình kinh doanh bắt đầu đi xuống. Việc nợ tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền hàng của các đơn vị phân phối .... thường xuyên xảy ra khiến Best Carings phải liên tiếp đóng các điểm bán của mình.

Tới cuối năm 2012 thương hiệu này chính thức ra đi trong âm thầm, trái ngược hoàn toàn với màn xuất hiện hoành tráng 8 năm trước đó.

WonderBuy (2011)

Ra đời vào năm 2010, WonderBuy có đầy đủ các yếu tố cần thiết nhất như số vốn đầu tư 3 triệu USD, chiến lược phát triển đúng chuẩn của các siêu thị bán lẻ điện máy châu Á và Việt Nam cùng đội ngũ nhân viên được tuyển chọn rất kỹ càng từ các siêu thị cùng lĩnh vực khác.
WonderBuy
WonderBuy
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm hoạt động, tới tháng 5/2011, WonderBuy đã chính thức tuyên bố phá sản. Tính thời điểm đó, doanh nghiệp này đã lỗ tới 52 tỷ đồng gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa, lương nhân viên ... Đây cũng là "đại gia" điện máy đầu tiên tại TP HCM bị khai tử.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng phá sản của WonderBuy bất ngờ lại không hoàn toàn thuộc về khía cạnh kinh doanh mà nằm ở tiền thuê mặt bằng quá cao. Luôn chọn những địa điểm bán hàng tại các khu vực trung tâm với mức giá quá cao khiến doanh nghiệp này nhanh chóng lâm vào tình trạng thua lỗ. Tính tới thời điểm ngừng hoạt động WonderBuy vẫn đang nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê nhà.