Chính thức khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2019
Tối 5/12, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND của 3 TP lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2019 và khai mạc tuần lễ trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số tại 3 tâm điểm của Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Buổi lễ đã chính thức khởi động 24 giờ vàng mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam năm nay bắt đầu từ 0h ngày 6/12/2019 có chủ đề “Siêu khuyến mại, hàng chất lượng”, với tổng giá trị giải thưởng bằng hiện vật lên tới 2 tỷ đồng.
|
Doanh nghiệp quảng bá, kết nối mua sắm sản phẩm trong ngày Online Friday |
Thông tin từ Bộ Công Thương, sự kiện mua sắm trực tuyến (Online Friday) 2019 đã thu hút hơn 1,6 triệu lượt quét mã QR, 35.000 lượt tải app, hơn 1,6 triệu lượt quét QR tham gia các chương trình trúng thưởng, số lượng mua mã voucher thành công là 3.992 voucher. Đơn hàng toàn thị trường đạt trên 3 triệu, tăng 67% so với năm 2018.
Theo đại diện Ban tổ chức, tính đến thời điểm 24h00 ngày 6/12, kết thúc 24 giờ của Ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm tại Việt Nam, các phản hồi của người tiêu dùng, của các doanh nghiệp, chương trình Online Friday 2019 đã thu được những kết quả tích cực.
Cụ thể, 95.000 sản phẩm chính hãng tham gia chương trình, 720 doanh nghiệp mới đăng ký tham gia chương trình, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình trên 3.840 doanh nghiệp và website bán lẻ.
Thống kê đơn hàng từ 50 doanh nghiệp tham gia chương trình, số lượng đơn hàng ước tính trên 1,1 triệu đơn hàng thành công trong 24h ngày 6/12. Ban tổ chức ước tính số lượng đơn hàng toàn thị trường đạt trên 3 triệu đơn hàng, tăng 67% so với năm 2018.
Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday đã được Chính phủ phê duyệt và tổ chức thường niên vào ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 12. Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Công Thương chủ trì, giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là đơn vị đầu mối tổ chức, phối hợp cùng các tổ chức và doanh nghiệp triển khai nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm, xây dựng một liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử.
Việt Nam có 30 nhà cung cấp linh kiện cho sản phẩm Apple
Trong buổi tiếp Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Apple, Bộ Trưởng Bộ TT&TT đã đề nghị Apple tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
|
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp ông Rory Sexton, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Apple. Ảnh Bộ TT&TT |
Hiện nay, Apple đang có khoảng 30 đối tác là các nhà cung cấp linh kiện cho các sản phẩm của Apple tại Việt Nam trên tổng số 1.200 nhà cung cấp tại khu vực châu Á, tuy nhiên những nhà sản xuất các linh kiện quan trọng nhất cho Apple đều đang đặt tại Việt Nam. Trong những năm tới, dự kiến tổng lượng hàng mà các nhà cung cấp tại Việt Nam sản xuất cho Apple sẽ tiếp tục gia tăng.
Vị đại diện Apple cũng bày tỏ mong muốn thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Bộ TT&TT để cập nhật tình hình hoạt động của Apple tại Việt Nam đồng thời có được sự hỗ trợ từ Bộ nếu có những khó khăn, vướng mắc trong tiến trình hoạt động nhất là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực khi quy mô sản xuất của các sản phẩm Apple tại Việt Nam tăng lên trong thời gian tới.
Đối với những đề xuất của đại diện Apple, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam, trong đó có Apple. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu trong khi hoạt động tại Việt Nam, đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài nghiêm túc tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đề nghị Apple tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple, hỗ trợ các doanh nghiệp này trở thành các doanh nghiệp phụ trợ nằm trong hệ sinh thái thuộc chuỗi cung ứng của Apple. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này với hơn 50.000 doanh nghiệp ICT và hơn 1 triệu kỹ sư ICT.
Vị Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Apple cho biết Apple sẵn sàng gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp ICT Việt Nam có mong muốn tham gia chuỗi cung ứng của Apple. Đối với lời mời tham dự ITU Digital World 2020, ông sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp cao và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử
Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc, trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử của Bộ TT&TT, Bộ đã đưa ra chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử, dự kiến sẽ được ra mắt ngày 20/12 tới.
|
Bộ TT&TT dự kiến sẽ ra mắt chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt trong triển khai Chính phủ điện tử vào ngày 20/12/2019. Ảnh minh họa |
Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT chia sẻ với các đại biểu tham dự sự kiện khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử được tổ chức vào ngày 29/11 vừa qua.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết, chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử nhắm đến các đối tượng là Trưởng phòng CNTT của các Sở TT&TT; Giám đốc Trung tâm CNTT-TT của các Sở TT&TT; Trưởng phòng ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên trách về CNTT như Cục CNTT của Bộ Y tế hay các Trung tâm CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Là chương trình được thiết kế thiên về đào tạo trực tuyến, do đó chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử sắp được Bộ TT&TT cho ra mắt vào ngày 20/12 tới tuy vẫn có một số nội dung đào tạo trực tiếp song đại đa số sẽ là các bài giảng e-learning hoặc trực tuyến qua cầu truyền hình.
Vấn đề tổ chức đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra ngay khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được chuyển giao sang Bộ TT&TT.
Cụ thể, trong kết luận hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý III/2019 vào ngày 5/9/2019, cùng với việc thông tin với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ rất tích cực và công việc đã được triển khai nhanh. Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao lên”.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Cục Tin học hóa phải có ngay một kế hoạch tập huấn cho các địa phương về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. “Với nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, chúng ta cần thống nhất có bao nhiêu hạt nhân - những chuyên gia hiểu về lĩnh vực này, có như vậy các địa phương mới làm được và cần tập trung đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đó”, Bộ trưởng nói.
Khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử
Sáng 29/11, Bộ TT&TT tổ chức Lễ Khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử, hoạt động tại địa chỉ: http://egov.mic.gov.vn. Đây là Trung tâm trực tuyến giữ vai trò “một đầu mối”, “một cửa” tương tác với các cơ quan nhà nước để trả lời các câu hỏi, vướng mắc khó khăn, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc kết nối, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
|
Thứ trưởng Bộ TT & TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ |
Hệ thống thông tin “Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử” được Bộ TT&TT giao Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Công ty Cổ phần Công Nghệ DTT phối hợp xây dựng, triển khai nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới Chính phủ số.
Đây là một công cụ số để tiếp nhận, trả lời nhanh chóng, hiệu quả những câu hỏi, những đóng góp, những kiến nghị về Chính phủ điện tử (CPĐT) với nhiều tính năng được bổ sung liên tục nhằm đảm bảo việc hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử được minh bạch, kịp thời và cùng chia sẻ. Trong đó đặc biệt là tính năng tiếp nhận, xử lý, chuyển câu trả lời, giải đáp đến đơn vị, cá nhân đã hỏi.
Đồng thời, Hệ thống cũng sẽ là kênh lưu trữ dữ liệu các câu hỏi và nội dung trả lời được cung cấp, chia sẻ về mọi vấn đề phát triển CPĐT để các cơ quan nhà nước tiện tra cứu. Tìm kiếm, kết xuất nội dung trả lời tự động khi câu hỏi mới nhận được tương tự câu hỏi đã được trả lời trước đó.
Về lâu dài, Hệ thống sẽ hỗ trợ đo lường các chỉ số triển khai CPĐT để chủ động tìm ra các điểm nóng, điểm nghẽn, giúp Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ được nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hệ thống cũng sẽ kết nối, tích hợp với các hệ thống CPĐT để cung cấp trực tuyến các thông tin về chỉ số phát triển CPĐT như Chỉ số về dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; về hoạt động nội bộ của CQNN và an toàn, an ninh mạng trong phát triển CPĐT…
Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn ghi nhận, trong thời gian rất ngắn, Cục tin học hóa, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Công ty Cổ phần Công Nghệ DTT đã phối hợp xây dựng Hệ thống thông tin “Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT” đồng thời mong muốn các đơn vị tiếp tục đồng hành cùng Bộ TT&TT từng bước nâng tầm hiệu quả của Hệ thống này.
Sau này, khi Hệ thống mở rộng sẽ có thể tận dụng mạng lưới rộng khắp của Bưu điện Việt Nam để hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thậm chí giúp đo lường mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ CPĐT…
Cảnh báo mã độc lợi dụng bộ gõ Unikey
Công ty CMC Cyber Security vừa phát hiện mẫu mã độc sử dụng kỹ thuật mới lợi dụng phần mềm gõ chữ tiếng Việt Unikey để tấn công người dùng Việt.Chuyên gia Công ty CMC Cyber Security nhận định, chiến dịch tấn công có chủ đích APT mới được phát hiện là chiến dịch tấn công được đầu tư nghiên cứu kỹ, rất nguy hiểm vì Unikey hiện là bộ gõ tiếng Việt phổ biến nhất ở Việt Nam. Theo phân tích của chuyên gia CMC Cyber Security, khi chạy Unikey sẽ tải layout bàn phím us - qua đó thực thi dll kdbus.dll của windows. Lợi dụng đặc điểm này, hacker đã chèn vào một tập tin kbdus.dll độc hại vào cùng thư mục với UnikeyNT.exe để tệp tin này được ưu tiên tải lên thay vì dll của windows. Vì thế khi Unikey được bật, thì đồng thời, mã độc cũng sẽ được thực thi theo mà không gây nghi ngờ gì cho người dùng.
Kẻ tấn công cũng thay đổi thuộc tính về thời gian của tệp tin kdbus.dll về cùng với thời gian của file UnikeyNT.exe để người dễ dàng đánh lừa người dùng hơn. Thực chất file này đã được biên dịch vào khoảng đầu tháng 10 năm nay.
Khi tập tin mã độc kbdus.dll được chạy, nó sẽ đọc giá trị đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn tại khóa registry HKEY_CLASS_ROOT.kciPersistenHandler có tên là "CB5JQLWSYQP2CWVRMJ8NB4CCUE1B8K4A" để lấy thông tin về C&C (máy chủ điều khiển) sẽ kết nối tới. Mã độc sau đó tiếp tục đọc và thực thi payload chính nằm trong cùng khóa trên có giá trị "F430D64D98E6EAC972380D568F080E08".
Payload và các giá trị đặc biệt này đều được mã hóa và chỉ decrypt trong quá trình thực thi của mã độc, qua đó tránh được sự giám sát của các công cụ bảo mật.
Sau khi tải payload lên bộ nhớ, mã độc sẽ thu thập các thông tin của máy tính nạn nhân. Các thông tin thu thập được sẽ được mã hóa và gửi đến C&C server. Sau khi có được thông tin cần thiết, mã độc sẽ thực thi command từ C&C để thực hiện các hành vi nguy hiểm khác.
Chuyên gia CMC Cyber Security khuyến cáo người sử dụng nên kiểm tra kỹ thư mục cài đặt Unikey, loại bỏ file kbdus.dll cùng thư mục hoặc sử dụng sản phẩm chống mã độc để bảo vệ máy tính của mình và chỉ sử dụng unikey chính chủ tải từ trang web chính thức của phần mềm Unikey.org.