Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ: Sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Tình trạng "báo hóa" tạp chí là sai luật; Đề xuất bổ sung Mobile Money là dịch vụ trung gian thanh toán... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ TT&TT sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Tại phiên chất vấn sáng 8/11, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hòa (Đồng Tháp) về việc có quản lý mạng xã hội như quản lý báo chí được không, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội và báo chí là hai không gian khác nhau.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, nói đến báo chí là nói đến định hướng dư luận, sứ mệnh về thông tin, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là hạn chế tiêu cực để không gian lành mạnh hơn. Mọi người tham gia phải có trách nhiệm. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và Bộ TT&TT đã hoàn thành. Sắp tới bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một khung mềm, chủ yếu hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức.
Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.
Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng TT&TT cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.
“Bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo. Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ sẽ cùng với Hội Nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.
Bấm nút tranh luận, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho biết, muốn bộ trưởng cho ý kiến về hành lang pháp lý xử lý đối với việc đưa thông tin bí mật đời tư lên báo chí. Theo Bộ trưởng những quy định nào ngăn chặn việc này? Việc báo chí khi viết về hoàn cảnh nào đó thì khai thác quá sâu vào thân phận, đời tư, hoàn cảnh gia đình của người đó thì có vi phạm pháp luật hay không? Quy định nào xử lý?
"Chúng ta cần có luật bảo vệ thông tin đời tư cá nhân trong bối cảnh bùng nổ công nghệ hay không?", Đại biểu hỏi.
Trao đổi lại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Báo chí hiện quy định cấm khai thác quá sâu đời tư. Trong năm 2019, bộ TT&TT xử lý 3 vụ thông tin chi tiết quá sâu đời tư. Giải pháp vừa bằng luật pháp nhưng vừa tuyên truyền.
"Chắc chắn phải có quy định. Các quốc gia đều có quy định về quản lý thông tin cá nhân. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rồi có thể phải ra một số nghị định", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tình trạng "báo hóa" tạp chí là sai luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 8/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
 Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định).
Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật báo chí.
Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.
Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí.
Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ TT&TT để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.
Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Hiện nay, có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu thực tế: "Hiện nay người Việt Nam tham gia mạng xã hội nước ngoài nhiều hơn rất nhiều so với mạng xã hội trong nước". "Tôi biết bộ trưởng rất tâm huyết với vấn đề này, vậy đến lúc nào mạng xã hội trong nước đủ mạnh để thay thế được mạng xã hội nước ngoài?"
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu tài khoản. Với tốc độ này thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 90 triệu tài khoản, tương đương với mạng nước ngoài. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những thông tin chỉ diễn ra trên một mạng xã hội? Đây cũng là vấn đề an ninh quốc gia. Nếu mỗi người dùng vài mạng xã hội, chúng ta phân tán dữ liệu ấy ra thì sẽ đảm bảo tính an toàn.
Bộ trưởng cho biết thêm là đến nay có rất ít nước làm được mạng xã hội. "Vậy chúng ta có mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài không? Không. Mỗi một mạng xã hội có tính chất, ưu điểm, mục đích khác nhau.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta là đất nước mở nên chúng ta kêu gọi mọi người vào Việt Nam làm ăn. Chúng ta chỉ có một yêu cầu thôi là vào thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây là làm cho VN thịnh vượng".
Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng.
Đề xuất bổ sung Mobile Money là dịch vụ trung gian thanh toán
Tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bổ sung thêm dịch vụ tiền di động (Mobile Money) là dịch vụ trung gian thanh toán.
 Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 101 ngày 22/11/2012 của Chính phủ về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được xây dựng với mục đích giải quyết các vấn đề bất cập, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế.
Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của CNTT, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế và nhu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặ hiện hành bộc lộ một số bất cập và cần được tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa.
Một nội dung mới đáng chú ý được Ngân hàng Nhà nước đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là bổ sung quy định về tiền điện tử, bao gồm khái niệm tiền điện tử; các hình thức thể hiện của tiền điện tử là ví điện tử, thẻ trả trước (Prepaid Card), tiền di động (Mobile Money); đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).
Về cung ứng và phát hành tiền điện tử, dự thảo Nghị định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng thẻ trả trước. Việc cung ứng và phát hành thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng ví điện tử, tiền di động. Việc cung ứng dịch vụ ví điện tử, tiền di động phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh về dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại Nghị định này và tuân thủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến cung ứng dịch vụ ví điện tử, dịch vụ tiền di động.
Theo thống kê hiện nay, hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch; từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
Điện thoại 'cục gạch' vẫn chiếm gần 40% thị phần Việt Nam
Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường GfK, trong tháng 9 vừa qua, thị trường điện thoại tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,7 triệu máy, trong số này, hơn 600.000 chiếc là điện thoại phổ thông (feature phone) - chiếm khoảng 37% thị phần.
 Ảnh minh họa
Người tiêu dùng thích mua điện thoại 'cục gạch' qua hình thức online nhiều hơn bởi không phải suy nghĩ quá nhiều do giá thành rẻ.
Thị phần của điện thoại 'cục gạch' tại thị trường Việt Nam ổn định trong năm 2019 và thường giữ ở mức trên dưới 35%. Thậm chí, thời gian gần đây thị phần của dòng sản phẩm này còn tăng trưởng khá ấn tượng, từ 34,1% của tháng 7 lên 36,8% của tháng 9.
Dù thị phần lớn, doanh thu mang về từ điện thoại cơ bản không cao. Theo số liệu từ GfK, hơn 85% điện thoại phổ thông được bán ra có giá dưới 1 triệu đồng, thậm chí, 70% trong số này giá dưới 500.000 đồng. Thiết bị bán chạy nhất là Nokia 105 - 350.000 đồng. Thương hiệu Itel đứng thứ ba thị trường là nhờ bán được các sản phẩm giá dưới 200.000 đồng, như Value 100, IT2161.
Theo đánh giá của một chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại, các khách hàng chính ở dòng sản phẩm này thường là người lao động phổ thông, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, hoặc các doanh nghiệp mua máy để phục vụ nhu cầu liên lạc nội bộ.
Một phần không nhỏ trong số này là những người lần đầu dùng điện thoại, với mong muốn về một thiết bị để nghe gọi giữ liên lạc và đặc biệt phải dễ sử dụng.