Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sáng du lịch trong phục hồi kinh tế các tỉnh Đông Bắc

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch các tỉnh Đông Bắc và TP Hồ Chí Minh là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế. Khẳng định này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Đông Bắc, diễn ra chiều 25/4.

Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Đông Bắc. Ảnh Sỹ Hào.
Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Đông Bắc. Ảnh Sỹ Hào.

Bước phát triển mới trong liên kết hợp tác phát triển du lịch

Chiều 25/4, tỉnh Vĩnh Phúc – Đơn vị trưởng nhóm liên kết (giai đoạn 2023-2024) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Đông Bắc (gồm Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh) – Đây là hoạt động thường niên và luân phiên nhằm tổng kết các kết quả đạt được trong công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Tại Hội nghị, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình hợp tác ký kết phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 giữa UBND TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh vùng Đông Bắc đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Thị trấn Tam Đảo được vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Ảnh Sỹ Hào. 
Thị trấn Tam Đảo được vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Ảnh Sỹ Hào. 

Nhiều khu, điểm du lịch của các tỉnh vùng Đông Bắc đã nhận được nhiều giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng World Travel Awards – Giải thưởng Du lịch thế giới, Khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch vùng Đông Bắc trên trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Kết quả đạt được đã thể hiện rõ sự quyết tâm cố gắng nỗ lực của 9 tỉnh, thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng du lịch Việt Nam.

Tìm hướng phát huy thế mạnh vùng liên kết phát triển du lịch

Tại Hội nghị tổng kết, các địa phương tham dự đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến vào chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch để mỗi địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động, khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Các địa phương cần suy nghĩ thêm trong việc chia sẻ, phối hợp tương trợ lẫn nhau cùng phát triển du lịch. Trong đó, trách nhiệm của các bên là kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhau quảng bá các sản phẩm du lịch, cùng nhau tạo nên một sản phẩm du lịch mang tính liên vùng miền”.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thảo luận tại Hội nghị. 
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thảo luận tại Hội nghị. 

Trình bày ý kiến trước Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Nguyễn Huyền Anh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Những năm qua, địa phương đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Nguyễn Huyền Anh nêu ý kiến thảo luận. Ảnh Sỹ Hào.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Nguyễn Huyền Anh nêu ý kiến thảo luận. Ảnh Sỹ Hào.

“Quảng Ninh có sân bay Quốc tế Vân Đồn, cảng tầu quốc tế, và cũng là địa phương có số km đường cao tốc dài nhất toàn quốc (176km) kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái. Hiện tại Quảng Ninh cũng đã làm hồ sơ đệ trình việc công nhận Quần thể di tích và Danh thắng Yên Tử thành Di sản thế giới.” - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh nói.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc

Các tỉnh vùng Đông Bắc có đặc điểm tự nhiên thuộc vùng núi và trung du với nhiều khối núi và dãy núi đá vôi hoặc núi đất. Nhờ địa hình có nhiều dãy núi hình cánh cung và gió Bắc nên khí hậu vùng này lạnh vào mùa Đông và mát mẻ vào mùa hè. Tại vùng núi Mẫu Sơn- Lạng Sơn; Tam Đảo- Vĩnh Phúc nhiệt độ mùa Đông có thể xuống tới 0 độ, thường xuyên xuất hiện băng giá và đôi khi có tuyết rơi.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung và 8 tỉnh trong liên kết vùng Đông Bắc nói riêng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc);

Với thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, 8 tỉnh Đông Bắc có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao; du lịch mạo hiểm… hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá.

Việc “đánh thức” những tiềm năng để du lịch phát triển cũng là mục tiêu chương trình liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc.