Vấn đề nan giải trước hết đối với các nước thành viên G7 là di tản công dân, nhân viên ngoại giao của họ cùng với những người Afghanistan đã làm việc cho họ ra khỏi đất nước này. Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra thời hạn cho đến ngày 31/8 tới rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan nên bây giờ Mỹ và đồng minh phải hoàn tẩt việc rút hết quân và di tản ra khỏi Afghanistan trước ngày 31/8 hoặc phải tính đến khả năng thời hạn này không thể đáp ứng nổi. Taliban cam kết đảm bảo an toàn cho việc rút quân và di tản nhưng đã lên giọng cảnh báo Mỹ và đồng minh về khả năng không hoàn tất việc rút quân và di tản đến ngày 31/8 tới. Câu hỏi lớn được đặt ra cho G7 bây giờ là các thành viên sẽ ứng phó và hành động như thế nào đối với Taliban nếu lại bị Taliban gây chuyện ở Afghanistan.Vấn đề nan giải tiếp theo là công nhận hay không công nhận chính thể của Taliban ở Afghanistan. Không thể phủ nhận một điều là Taliban lần này trở lại cầm quyền khác biệt cơ bản về pháp lý quốc tế với lần lên nắm quyền ở Afghanistan hồi năm 1996. Những câu hỏi đặt ra bây giờ buộc G7 phải trả lời là khi nào và với những điều kiện nào thì sẽ công nhận chính thể mới của Taliban ở Afghanistan, cả nhóm đồng thời hay từng thành viên tự quyết định chuyện công nhận này. Điều có thể chắc chắn được là chỉ sau khi G7 trả lời được những câu hỏi này thì chính quyền Taliban ở Afghanistan mới có thể tiếp cận và sử dụng tài sản của nhà nước Afghanistan cũ ở nước ngoài và nguồn tài chính trợ giúp quốc tế.Vấn đề nữa nan giải không kém đối với G7 là còn phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cả đối với những nước khác hiện có ý gây dựng ảnh hưởng và vai trò ở Afghanistan cũng như ở khu vực Nam Á sau khi Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan.