Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước.
Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, đòi hỏi phải tiếp tục đa dang hóa các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chia sẻ về lĩnh vực này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phúc Lại Quang Trung cho biết, hiện nay, tập đoàn đang phấn đấu trở thành một trong những DN tư nhân hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phúc Lại Quang Trung thông tin, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư triển khai các dự án điện sạch, thân thiện với môi trường. |
“Do vậy, trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về năng lượng của nền kinh tế - xã hội, Tập đoàn Thiên Phúc đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời áp mái, điện gió, nhà máy điện rác… trên phạm vi cả nước. Dự kiến quý IV/2019 này, Tập đoàn sẽ khởi công thêm 12MW điện rác tại tỉnh Hậu Giang và tỉnh Thái Bình” - ông Lại Quang Trung nói.
Trước đó, chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Thiên Phúc đã đầu tư đưa vào vận hành thành công 2 Nhà máy năng lượng điện mặt trời là Trí Việt 1 công suất 30 MWp và Bách Khoa Á Châu 1 công suất 30 MWp. Cả 2 nhà máy đều có vị trí tọa lạc tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; mỗi nhà máy được xây dựng trên khu đất có diện tích 60ha với quy mô công suất 30MWp có tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng cho một công trình.
Hai nhà máy đã chính thức được EVN công nhận vận hành thường mại và đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng nghìn hộ dân. |
Dự kiến, mỗi cụm nhà máy sản xuất ra lượng điện năng khoảng 45,4 triệu kwh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của hàng chục nghìn hộ gia đình mỗi năm, làm giảm thải ra môi trường khoảng 28.200 tấn khí CO2/năm… Hiện nay, 2 nhà máy này đã chính thức được Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công nhận vận hành thương mại.
Ông Lại Quang Trung cho biết, dựa theo thành tựu sản xuất pin quang điện mới nhất hiện nay, Nhà máy điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1 sử dụng tấm pin quang điện với công nghệ đa tinh thể loại 72 cell, công suất 330Wp, được thiết kế đảm bảo theo các tiêu chuẩn IEC, với tuổi thọ pin tối thiểu 25 năm, mức suy giảm hiệu suất trung bình là 0,7%/năm. Tổng số lượng tấm pin được lắp đặt trên mỗi dự án gần 91.000 tấm, công suất mỗi tấm pin 330W, trở thành Nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn tại tỉnh Tây Ninh hiện nay…