Điều chỉnh để khắc phục tồn tại trong quy hoạch xây dựng Thủ đô

Vũ Cúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm triển khai vào thực tế, bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã thể hiện những điểm không còn phù hợp.

Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đã đến lúc cấp thiết phải có rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể chung toàn Thành phố nhằm khắc phục bằng được những tồn tại trong triển khai quy hoạch thời gian qua.
Quy hoạch cũ còn thiếu cơ sở dữ liệu

Hà Nội đang lập kế hoạch rà soát điều chỉnh tổng thể QHC1259 sau 10 năm triển khai. Theo ông, đâu là lý do để TP Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch lần này?

- Có thể khẳng định, việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hà Nội lần này liên quan đến sự thay đổi của Luật Quy hoạch đô thị 2020, Luật Kiến trúc 2019. Nhưng có thể thấy, QHC 1259 còn thiếu cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đô thị thông minh, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
 Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng 
Trong 10 năm vừa qua, công tác lập và triển khai quy hoạch chi tiết để làm công cụ quản lý quy hoạch chung chưa làm tốt, công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng còn lỏng lẻo dẫn đến sự phát triển đô thị lộn xộn, manh mún và bị động, bị chi phối bởi các dự án bất động sản. Thông qua việc điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy hoạch chung đã được duyệt, làm cho trung tâm nội đô bị chất tải nhiều kiến trúc cao tầng, gây sức ép gia tăng về dân số và hạ tầng giao thông đô thị, thậm chí còn làm cho “đô thị bị băm nát”...

Sự đầu tư dàn trải thiếu tập trung dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị phát triển không đồng bộ gây lãng phí về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện chậm và chưa thực hiện các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để làm công cụ quản lý, là nguyên nhân mà quy hoạch phân khu đô thị nội đô đến nay mới phê duyệt được. Việc điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội trên nền tảng quy hoạch chung đã được phê duyệt, tích hợp các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chuyên ngành là rất cần thiết và cấp thiết vào thời điểm hiện nay.

Để bản quy hoạch chung sau khi điều chỉnh có chất lượng, Hà Nội nên chú trọng điều gì, thưa ông?

- Một quy hoạch tốt chỉ làm được trên nền tảng các thông số kỹ thuật về kinh tế - xã hội và một tầm nhìn chiến lược. Do đó, các số liệu về dân số, kinh tế - xã hội, nguồn lực, đất đai, môi trường... phải được cơ quan có trách nhiệm cập nhật chuẩn xác.

Từ những hạn chế trong công tác quy hoạch thời gian qua, chúng ta cần phải thay đổi tư duy lập quy hoạch. Bản Quy hoạch chung được điều chỉnh lần này phải thể hiện được tầm nhìn mới, tinh thần nói thật, làm thật, hướng đến mục tiêu cao nhất chính là cuộc sống hạnh phúc của người dân và phát triển đô thị một cách bền vững.

Nhiều việc còn dang dở cần làm ngay

Theo định hướng của đồ án QHC 1259, TP Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm gồm: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc. Tuy nhiên, đến nay các đồ án đô thị về tinh hầu như còn đang là bản vẽ. Rõ ràng, lúc này Hà Nội cần xem lại bài học về phát triển đô thị vệ tinh 10 năm qua?

- Nhìn lại thời gian qua, 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, chỉ có duy nhất đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng duyệt quy hoạch, có hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm tương đối đồng bộ và một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học (mặc dù tỷ lệ lấp đầy còn thấp) thì 4 đô thị vệ tinh còn lại là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn vẫn còn bỏ ngỏ. Để phát triển theo định hướng mô hình đô thị vệ tinh, Hà Nội cần tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt là giao thông kết nối các đô thị vệ tinh với trung tâm nội đô, kết nối những đô thị vệ tinh với nhau và kết nối đô thị vệ tinh với các khu vực xung quanh.

Lần điều chỉnh này là dịp để Hà Nội nhìn nhận các mô hình phát triển nào cần được đầu tư phát triển và mô hình nào phải thay đổi chức năng. Không những vậy, đô thị vệ tinh cũng cần được san sẻ nguồn lực và có cơ chế để chính quyền đô thị vệ tinh có quyền làm chủ. Khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội phát triển, hệ thống đường giao thông được kết nối với các phương tiện vận chuyển công cộng tiện lợi, đáp ứng các điều kiện để phát triển kinh tế, thì đô thị vệ tinh sẽ có sức hút, người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được sống ở đó bởi môi trường trong lành, nhà ở và việc làm.

Điều đáng bàn là đến nay vẫn chưa hoàn thành xong các quy hoạch phân khu. Hiện vẫn còn quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, phân khu sông Đuống chưa được phê duyệt do còn nhiều vướng mắc. Theo ông, trong lần điều chỉnh quy hoạch chung lần này Hà Nội cần có định hướng như thế nào để sớm hoàn thành phê duyệt các phân khu đô thị này, nhất là với phân khu đô thi sông Hồng?

- Đồ án phân khu đô thị sông Hồng đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập xong, cho phép chúng ta nghĩ đến tương lai gần của sự hiện diện thành phố bên sông Hồng. Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng nếu làm tốt sẽ quyết định bộ mặt của Thủ đô trong trung và dài hạn. Đây là quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông… để đấu thầu quyền sử dụng đất, mời gọi lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp, hướng đến vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của thành phố. Vì vậy, tính minh bạch trong quy hoạch, trong đấu thầu sử dụng đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai đồ án theo quy hoạch đã được duyệt.

Do sông Hồng có chế độ thủy văn rất khắc nghiệt, nên để đảm bảo tính khả thi của đồ án, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ. Cần xây dựng kịch bản thích ứng với dòng chảy sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu, và biến động bất thường từ phía thượng nguồn Trung Quốc, nơi có hơn nửa lưu lượng dòng chảy sông Hồng và với gần hai chục đập thủy điện lớn nhỏ. Bởi khi đã đánh giá đúng, chúng ta có quy hoạch sử dụng mặt nước, đất bãi, khu dân cư, không gian công cộng, không gian xanh… hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hợp lý, an toàn và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Từ những hạn chế trong công tác quy hoạch thời gian qua, chúng ta cần phải thay đổi tư duy lập quy hoạch. Bản Quy hoạch chung được điều chỉnh lần này phải thể hiện được tầm nhìn mới, tinh thần nói thật, làm thật, hướng đến mục tiêu cao nhất chính là cuộc sống hạnh phúc của người dân và phát triển đô thị một cách bền vững." - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng