Điều chỉnh hợp lý để đảm bảo điện cho mùa khô

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều phương án điều chỉnh hợp lý đảm bảo điện cho mùa khô đã được các cơ quan liên quan đưa ra.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán, hệ thống điện được vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện ổn định.

Công nhân EVN kiểm tra vận hành đảm bảo điện dịp Tết 2024.
Công nhân EVN kiểm tra vận hành đảm bảo điện dịp Tết 2024.

Theo đó, sản lượng trung bình các ngày từ 29 Tết đến mùng 2 Tết năm 2024 là 488,2 tr.kWh, cao hơn so với cùng kỳ 2023 khoảng 42 triệu kWh. Công suất cực đại các ngày từ 29 Tết đến mùng 2 Tết năm 2024 đạt 29.656,9MW, cao hơn so với cùng kỳ 2023 từ 1.800 - 2.700MW.

Nhìn chung, trong tuần 6/2024, phụ tải giảm thấp do nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Sản lượng trung bình ngày là 558,7 triệu kWh, thấp hơn so với tuần trước đó khoảng 213 triệu kWh. 

Từ ngày 28 Tết (7/2/2024), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã tiến hành ngừng dự phòng các tổ máy nhiệt điện than để tránh thừa nguồn trong dịp nghỉ lễ.

Để tăng tính dự phòng, đảm bảo an toàn hệ thống khi có bất thường xảy ra, từ 0h ngày 9/2 (29 Tết) - 24h 12/2 (mùng 3 Tết) đã điều chỉnh giới hạn truyền tải trên các đường dây liên kết miền giảm xuống mức 50% so với ngày làm việc bình thường, tăng lên mức 70% trong các chu kỳ thấp điểm trưa để tăng hấp thụ năng lượng tái tạo và các chu kỳ cao điểm phụ tải miền Bắc để tiết kiệm thủy điện.

“Do ảnh hưởng của phụ tải giảm thấp và các nguồn năng lượng tái tạo phát cao, đặc biệt các nguồn điện gió (thời điểm lớn nhất ~4000MW), A0 cũng thực hiện đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo vào hoạt động và giám sát giới hạn truyền tải Đường dây 500kV” - Cục Điều tiết Điện lực thông tin.

Báo cáo cho thấy, trong tuần thứ 6 từ ngày 5 – 11/2, than cho sản xuất điện được duy trì tốt, không có nhà máy nào thiếu than. Tương tự, nguồn khí từ NCS + Cửu Long duy trì lượng khí cấp khoảng 9.8 triệu m3/ngày; Nguồn PM3 - Cà Mau khoảng 4,5 triệu m3/ngày.

Hệ thống điện gió tại Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên
Hệ thống điện gió tại Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên

Trong khi đó, tình hình nước về các hồ thủy điện miền Bắc có lưu lượng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 48 - 98% TBNN ngoại trừ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang. Miền Trung các hồ có nước về tốt, hầu hết đều đạt xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN trừ một số hồ có nước về kém như: Bình Điền, Vĩnh Sơn A/B, Sông Ba Hạ, Nam Kong 3, Ialy, ĐakRTih, Đồng Nai 3, Sông Côn 2A (chỉ đạt khoảng 11 - 80% TBNN). Miền Nam các hồ có nước về cao hơn so với TBNN ngoại trừ Đại Ninh, Thác Mơ (55 - 66% TBNN). Hiện tại trên hệ thống không có hồ nào xả điều tiết.

Sản lượng theo nước về trung bình khoảng 103,2 triệu kWh/ngày, sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 11/2 toàn hệ thống là 13.110 triệu kWh, cao hơn 671,9 triệu kWh so với kế hoạch năm (miền Bắc cao hơn 662,1 triệu kWh, miền Trung cao hơn 67,2 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 57,5 triệu kWh).

Thời gian tới, Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu, tại miền Bắc sẽ thực hiện tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. Ngoài ra điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện, phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024.

Tại miền Trung và miền Nam sẽ huy động tối đa có thể các thủy điện đang xả (nếu có), các nhà máy còn lại khai thác tối ưu theo tình hình thủy văn thực tế để đảm bảo cung ứng điện. Nhà máy Ialy huy động đảm bảo mực nước thi công công trình Ialy mở rộng.

“Mực nước giới hạn đã được tính toán cập nhật phù hợp tình hình vận hành hệ thống điện, yêu cầu cấp nước của địa phương, quy trình liên hồ nhằm đảm bảo đủ nước đáp ứng an ninh cung cấp điện và nhu cầu nước hạ du đến hết mùa khô 2024” – Cục Điều tiết Điện lực cho hay.

Đồng thời khuyến cáo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.