Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh quy hoạch tạo không gian, động lực mới cho phát triển Thủ đô

Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết việc hình thành đơn vị hành chính Thành phố thuộc Thủ đô sẽ được nghiên cứu tiếp trong Chương trình phát triển đô thị và chỉ khi thực hiện xong việc đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch và đủ các tiêu chí theo quy định. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh điều hành báo cáo giải trình tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, sáng 27/4.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh điều hành báo cáo giải trình tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, sáng 27/4.

Ngày 27/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII), tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 12.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan T.Ư; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Tại hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn báo cáo tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về Định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Dự báo, kiểm soát quy mô dân số

Về một số định hướng, nghiên cứu, quan tâm các vấn đề về: Phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến; yêu cầu về bảo tồn di sản, công trình di sản, các di tích, phố cổ, phố cũ, làng nghề truyền thống, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị, phát triển không gian ngầm đô thị, cải tạo, cải thiện các điều kiên về cấp, thoát nước, chống ngập úng,…; cải tạo, tôn tạo, phát huy giá trị các con sông, các hồ, ao, đầm, cải tạo môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; yêu cầu về phát triển văn hóa, quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, công viên vui chơi, vườn hoa, cây xanh, quảng trường, tượng đài; quan tâm phát triển y tế, giáo dục đào tạo; các yêu cầu về xây dựng và phát triển nông thôn, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, giá trị đặc trưng khu vực nông thôn gắn với hành lang xanh; phát triển du lịch, dịch vụ, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; tập trung quy hoạch xây dựng và kiến nghị một số biện pháp về đê điều nhằm nâng cao chất lượng các xã nông thôn nằm ngoài đê theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều; có biện pháp di dời các khu dân cư ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

147 ý kiến góp ý về 5 nội dung

Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên (26/4), Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã nghe tờ trình, báo cáo và thảo luận, cho ý kiến tại tổ về 5 nội dung quan trọng, gồm: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; Điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 Đảng bộ thành phố.

Tổng hợp kết quả thảo luận ngày 26/4, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, có 73 lượt đại biểu phát biểu thảo luận với 147 ý kiến về các nội dung trên. Các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung tờ trình, báo cáo và thống nhất với dự thảo Nghị quyết Hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn bị.

Các nội dung trên đều đã được xác định trong mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch Ban cán sự Đảng báo cáo đã được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 28/11/2022 và Kết luận số 100-KL/TU ngày 05/12/2022 của Thành ủy. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, Ban cán sự Đảng sẽ tiếp thu góp ý để nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cụ thể trong 2 đồ án quy hoạch.

Về dự báo và kiểm soát quy mô dân số, theo Phó Chủ tịch UBND TP, hiện trạng dân số, theo Niên giám thống kê năm 2021 (công bố tháng 7/2022) của Thành phố dân số hiện trạng năm 2021 trung bình là 8,331 triệu người; theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố thì số liệu này gồm dân số, đã bao gồm cả sinh viên đã khai báo thường trú và tạm trú (trên 06 tháng).

Dự báo đến năm 2030 khoảng 11,410 – 11,950 triệu người; Đến năm 2040 khoảng 13,030 – 13,760 triệu người; Đến năm 2045 khoảng 13,740 - 14,600 triệu người; Đến năm 2050 khoảng 14,600 – 15,560 triệu người.

Ban Cán sự Đảng tiếp thu các ý kiến góp ý và sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể, đầy đủ, phối hợp với thông tin dữ liệu của Bộ Công an trong quá trình nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét theo quy trình.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo giải trình tại hội nghị. 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo giải trình tại hội nghị. 

Nhiệm vụ quy hoạch đã đặt ra yêu cầu kiểm soát dân số; được xây dựng trong bài toán tổng thể về quy hoạch; đề ra ngưỡng phát triển dân số, tránh quá tải vượt mức cho phép của Quy chuẩn, tiêu chuẩn. Song song đồng thời xây dựng Chương trình phát triển đô thị để kiểm soát phát triển đô thị, kiểm soát tỷ lệ đô thị hóa; phát triển các Thành phố, đô thị vệ tinh, mô hình TOD, các thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư nông thôn; thực hiện di dời nhà máy, cơ sở ô nhiễm, trường học, cơ quan,… ra ngoài nội đô theo quy hoạch; Xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối khu vực ngoại thành để thu hút dân cư, giãn dân ra khỏi nội đô; đồng thời kiến nghị cấp thẩm quyền hoàn chỉnh bổ sung các chính sách quản lý kiểm soát nhà ở, kiểm soát đầu tư, sở hữu nhà ở, đất ở; quản lý dân cư, chính sách về quản lý kiểm soát nhập cư,…; đồng bộ các giải pháp để thực hiện được có hiệu quả kiểm soát phát triển dân số.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, quá trình tiếp theo nghiên cứu lập đồ án quy hoạch sẽ được đánh giá, cụ thể hóa các định hướng và dự báo quy mô phát triển dân số trong từng khu vực cụ thể, cơ cấu chức năng, ngành nghề, trong đó có phân bổ quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy mô xây dựng, các loại hình dân số (có ở và không có ở) đến các quy hoạch cấp dưới, từng loại hình công trình.

Về nghiên cứu phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, kinh tế số thống nhất trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển đô thị thông minh,... Ban cán sự Đảng coi đây là nội dung hết sức quan trọng đã được xác định trong khâu đột phá và chương trình công tác của Thành ủy; đồng thời trong công tác nghiên cứu lập quy hoạch thời kỳ là một trong những tiêu chí nghiên cứu đánh giá, xác định đề xuất các dự báo định hướng phát triển đô thị tương lai đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 trong cả 02 quy hoạch; đồng bộ các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia.

Nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ khung cấu trúc hạ tầng

Về cấu trúc đô thị có sự điều chỉnh, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, định hướng điều chỉnh cấu trúc quy hoạch chung cơ bản có sự kế thừa; bao gồm 01 đô thị trung tâm lấy sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm quan trọng, không gian văn hóa, không gian xanh; Phía Nam vẫn giữ là Đô thị lịch sử bảo tồn- tôn tạo-cải tạo - tái thiết, liên kết mở rộng phát triển đô thị mới tới Vành đai 4 và sông Đáy; Phía Bắc là đô thị Long Biên - Gia Lâm và có điều chỉnh dự kiến phát triển thành phố phía Bắc (kết hợp cơ bản giữa huyện Đông Anh, Mê Linh và đô thị vệ tinh Sóc Sơn); các đô thị vệ tinh còn lại gồm Thành phố phía Tây (điều chỉnh khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc kết hợp với vệ tinh Xuân Mai), đô thị vệ tinh Sơn Tây, đô thị vệ tinh Phú Xuyên; các thị trấn sinh thái, liên kết với đô thị trung tâm qua các trục giao thông hướng tâm, phân cách bằng hành lang, nêm xanh. Nghiên cứu điều chỉnh nêu trên là đảm bảo đúng với định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Ban Cán sự Đảng sẽ nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ khung cấu trúc hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông (ngầm, nổi), các trục vành đai, hướng tâm, metro, bến bãi, logistic, vận tải, xe điện, … theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ.

Đối với mô hình Thành phố thuộc thủ đô sẽ được nghiên cứu trong định hướng của quy hoạch. Việc hình thành đơn vị hành chính Thành phố, ranh giới hành chính ở tầm nhìn dài hạn sẽ được nghiên cứu tiếp trong Chương trình phát triển đô thị và chỉ khi thực hiện xong việc đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch và đủ các tiêu chí theo quy định. 

Về các trục không gian chính trong quy hoạch, theo Phó Chủ tịch UBND TP đã cơ bản kế thừa định hướng nghiên cứu đề xuất gồm 05 trục không gian chính đã được xác định trong Quy hoạch chung được duyệt.

Đối với Trục không gian phía Nam (gồm Trục Mỹ Đình - Hương Sơn - Ba Sao - Bái Đính – đường trục kinh tế phía Nam; Quốc lộ 1A, 1B) có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh phía Nam và đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Trường hợp nghiên cứu xác định sân bay thứ 2 tại khu vực này sẽ tiếp tục được nghiên cứu nâng cấp bổ sung năng lực giao thông, đường sắt đô thị và các hạ tầng thiết yếu.

Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì (gồm cả trục Đại lộ Thăng Long); kết nối các vùng văn hóa và lịch sử Thăng Long - Xứ Đoài; đã được xác định là quan trọng trong Quy hoạch được duyệt, tuy nhiên hướng tuyến đường đang được nghiên cứu rà soát do có cắt qua một số khu vực dân cư hiện có. Đồng thời, trục Quốc lộ 6 Hà Đông- Chương Mỹ - thị trấn sinh thái Trúc Sơn - Xuân Mai (thành phố phía Tây) có liên kết không gian cảnh quan khu vực hồ Đồng Sương, Vân Sơn, Quan Sơn, và khu vực không gian xanh thoát lũ sông Bùi, cơ bản đang hình thành, cần tiếp tục triển khai tuyến đường Hà Đông – Xuân Mai để phát huy trong điều kiện phát triển mới.

 

Tiếp thu tinh hoa, trí tuệ để tạo sự đồng thuận trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đánh giá cao công tác tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Cán sự Dảng UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản, công phu, bảo đảm các bước theo quy trình và quy định của Luật Quy hoạch. Trong đó, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như tổ chức học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số cơ quan, địa phương. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung Quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch có liên quan. Trong đó cần lưu ý quan điểm “xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” theo đúng Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố nghiên cứu các tiêu chí của “Thành phố kết nối toàn cầu” tại mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2045, làm cơ sở đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đáp ứng các tiêu chí này; làm rõ hơn vai trò của kinh tế du lịch trong giai đoạn tới. 

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh các điều kiện đặc thù, tiềm năng của hệ thống sông, hồ và rừng của thành phố không chỉ có vai trò là cảnh quan, sinh thái, môi trường mà còn có ý nghĩa về giá trị văn hóa - lịch sử và phải coi đây là nguồn lực để phát triển của Hà Nội. 

Từ đó đề nghị bổ sung các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn, văn hóa lúa nước của vùng đồng bằng sông Hồng; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp với phát triển du lịch xanh, phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương và công bố công khai để lấy ý kiến của Nhân dân Thủ đô. Qua đó vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.