Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định danh cuộc gọi để ngăn lừa đảo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, lừa đảo thông qua những cuộc điện thoại mạo danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng, nhà mạng, cơ quan chức năng … đang là thủ đoạn được kẻ gian sử dụng nhằm “đánh bẫy” người dùng viễn thông.

Đáng chú ý, hiện tượng này có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Với những chiêu trò như: giả danh cơ quan công an để thông báo liên quan đến vụ án ma túy; mạo danh ngân hàng để yêu cầu cung cấp tài khoản cá nhân; lợi dụng DN để thông báo trúng thưởng… kẻ gian đã đánh trúng được tâm lý sợ trách nhiệm, ham lời của nhiều nạn nhân, từ đó dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Thực tế đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo dạng này lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng.

Nhằm cảnh báo tới người dân về những thủ đoạn lừa đảo nói trên, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cùng nhà mạng di động đã liên tục phát đi những thông điệp về nhận dạng, cách ứng phó với những chiêu trò này trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những động thái này dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả lớn khi các cuộc gọi lừa đảo vẫn đang hoành hành.

Nói về việc ngăn chặn cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, cần triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các cơ quan Nhà nước, nhà mạng…

Nếu cuộc gọi nào tự xưng là cơ quan chức năng mà không hiện định danh thì chắc chắn là mạo danh và có dấu hiệu lừa đảo. Và Bộ TT&TT cũng là cơ quan Nhà nước đầu tiên thực hiện việc định danh số điện thoại cho một số đơn vị của mình. Theo đó, từ 27/10, cuộc gọi đến từ Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện đều hiển thị tên định danh "BO TTTT".

Tương tự, cuộc gọi của DN viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng. Có thể kể đến như: tên định danh VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone, VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel, FPT SHOP của nhà mạng FPT, hay LOCAL của nhà mạng ASIM …

Được biết, trong thời gian tới, việc định danh cho đường dây nóng sẽ được mở rộng ra các bộ, ngành khác như công an, tòa án, ngân hàng... Các số điện thoại được định danh sẽ là số mà cơ quan chính quyền, DN có liên hệ, giao dịch với người dân.

Về phía người dân, Bộ TT&TT cũng đưa ra khuyến cáo, nếu nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo, cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ là 156, 5656 hoặc phản ánh tới DN viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Như vậy có thể thấy, sau hàng loạt các biện pháp như xác thực thông tin thuê bao, chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác… định danh số điện thoại của cơ quan chức năng là một trong những cố gắng mới nhất của Bộ TT&TT cùng các nhà mạng nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua di động. Tuy vẫn cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả của những biện pháp này nhưng hy vọng trong tương lai không xa, vấn nạn lừa đảo người dùng di động sẽ được hạn chế triệt để.