Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định giá nhà, đất công: “Vá” lỗ hổng pháp lý

Nha Trang thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng nhà, đất công, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, "vá" những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản...

 Ảnh minh họa
Xin ông cho biết thời gian qua, công tác quản lý tài sản công đã đạt những kết quả nào đáng chú ý?
- Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008, hàng năm, Bộ Tài chính đều báo cáo Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của cả nước. Tổng hợp các báo cáo cho thấy, công tác quản lý tài sản công thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước đã từng bước đi vào nền nếp. Hiện tượng sử dụng xe ô tô công sai mục đích, đi lễ chùa, sử dụng vào mục đích cá nhân, tình trạng cho mượn, cho thuê, sử dụng tài sản vào kinh doanh không đúng quy định đã giảm đáng kể. Đã tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô để đảm bảo quản lý, sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức, phần dôi dư được bố trí điều chuyển để phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có tài sản hoặc xử lý bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách Nhà nước.
 Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến những tồn tại, thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài sản nhà, đất công khiến dư luận rất bức xúc, thưa ông?

- Qua kết quả sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả đất của các DN Nhà nước) đã thực hiện chuyển giao cho địa phương 621 cơ sở nhà, đất; thu hồi 641 cơ sở nhà, đất; đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trên 100 cơ sở nhà, đất... Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vậy, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

- Để khắc phục tình trạng trên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản... Đồng thời xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán này phải được thực hiện ngay từ các khâu để phòng ngừa sai phạm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính đang đánh giá để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 192/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng xác định rõ hành vi, nâng cao mức phạt để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 
Theo đó, các sửa đổi theo hướng đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, DNNN... nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản như bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...